Phát huy truyền thống, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng vững mạnh

Thứ sáu - 22/07/2016 04:22

Phát huy truyền thống, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng vững mạnh

Ngày 26-7-1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), đánh dấu sự ra đời của VKSND, một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước. Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, ngành KSND dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn cách mạng; luôn xây dựng, phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Kết quả công tác của ngành góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, trong 56 năm qua VKSND tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Đ/c Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND tối cao
trao cờ "Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2015" cho
tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Hải Dương
 
Trong những năm 60 của Thế kỷ 20, khi mới thành lập với số lượng biên chế ít ỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, ngành KSND đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 1975 đến năm 1986, ngành KSND tỉnh tập trung các hoạt động kiểm sát vào việc xây dựng, phát triển kinh tế quốc doanh, giải quyết các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm, giữ vững trật tự trị an, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Từ năm 1997 đến năm 2002, thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng VKSND tỉnh thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử về đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường các hoạt động kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Năm 2002 đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo yêu cầu của cải cách tư pháp; Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức VKSND năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung, theo đó: “… Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…” Viện kiểm sát không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế; có sự thu hẹp một số quyền trong tố tụng dân sự, tổ chức cơ quan điều tra.. Trong giai đoạn này, 2 cấp kiểm sát tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCTP, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020, VKSND tỉnh đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Biên chế được bổ sung thêm, trình độ nghiệp vụ, chính trị của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, cán bộ lãnh đạo, quản lý 2 cấp được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc từng bước được trang bị tốt hơn. Nhờ vậy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao.
Từ năm 2011 đến nay, VKSND tỉnh tập trung các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP. Theo đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tập trung vào việc tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật; công tác xây dựng ngành tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc... 6 tháng đầu năm 2016, VKSND hai cấp đã đạt được kết quả đáng khích lệ: tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 96%; tỷ lệ khởi tố đạt 96,62 %; tỷ lệ giải quyết án giai đoạn truy tố đạt 100 %; tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung 0,33 %, thấp hơn 2,93 % so với bình quân của cả nước; số lượng, chất lượng các kháng nghị, kiến nghị ở tất cả các khâu công tác năm sau đều được nâng lên; không để xảy ra trường hợp oan, sai nghiêm trọng...
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, thời gian tới ngành KSND tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các nhiệm vụ về CCTP giai đoạn 2016 - 2020; tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND, đáp ứng yêu cầu của CCTP. Tiếp tục học tập, triển khai thực hiện tốt Luật Tố tụng Hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 144 của Quốc hội có chất lượng, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt quy định của các đạo luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra", "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà”; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng hạn chế số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung; phối hợp với Toà án tổ chức các phiên toà hình sự để học tập, rút kinh nghiệm kỹ năng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà; phối hợp với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm, ma tuý, những vụ án dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra oan, sai nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc dân sự, án hành chính, kinh doanh thương mại; việc tổ chức thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị khắc phục sai sót, vi phạm, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp, chú trọng kiến nghị phòng ngừa tội phạm. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ; bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý VKSND hai cấp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ của ngành đáp ứng yêu cầu của CCTP và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên "vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây