Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của dân tộc trên mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, Người đều để lại cho chúng ta những bài học còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và có lẽ mãi mãi về sau. Trong đó, có lĩnh vực môi trường và công tác môi trường.
Lúc sinh thời, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn cuộc sống của mình với thiên nhiên, môi trường. Đối với Bác thiên nhiên là người bạn cùng đồng hành, chia sẻ buồn vui, là nguồn cổ vũ trong mọi hoạt động. Trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã sống hòa hợp với thiên nhiên, rất quý trọng thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, giữ gìn môi trường, cảnh quan, sinh thái mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng chí, đồng bào. Một cảnh thư thái thanh tao của một lãnh tụ cách mạngđược Bác thể hiện qua những vần thơ:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Ở thiên nhiên, Người tìm thấy một sự quân bình trong tâm hồn lúc thảnh thơi hay trong những giờ phút căng thẳng.
(Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội)
sáng 16-2-1969. Nguồn Internet)
Hẳn nhiều người trong chúng ta ai nhớ mãi hai câu thơ của Người về Tết trồng cây:
“Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Phong trào Tết trồng cây do Bác phát động đã dần trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường và đây có thể nói là một trong những nét độc đáo của dân tộc Việt Nam. Với bút danh Tân Sinh – vào năm 1947 Người viết tác phẩm Đời sống mới, trong đó đề cập toàn diện đến các vấn đề thuộc phạm vi đời sống, vấn đề môi trường. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ cùng với tăng gia sản xuất là giữ gìn môi trường sống, vệ sinh nơi ở và nơi làm việc, sống hòa hợp với thiên nhiên. Sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc, năm nào Bác cũng có những bài viết, những cuộc nói chuyện chuyên đề về môi trường.
Để vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Người khởi xướng phong trào "Vệ sinh yêu nước", được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Một dấu mốc như trở thành thông lệ đến bây giờ là vào tháng 11/1959, Bác đã phát động "Tết trồng cây" trong toàn. Người kêu gọi "người người trồng cây, nhà nhà trồng cây" và chỉ rõ tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ cây xanh bằng câu nói hết sức cô đọng nhưng đầy đủ ý nghĩa "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Hơn 64 năm qua, phong trào “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi truờng sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.
Người cũng đã sớm cảnh báo hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, gây tác hại đến tài nguyên, môi trường sinh thái của con người. Người xem tệ phá rừng là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”. Đến nay, như chúng ta đã thấy nạn phá rừng đã đem đến hậu quả vô cùng thảm khốc đối với con ngườn. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... Tất cả những điều đó đang là những thách thức, đang đặt ra những bài toán phải có lời giải vừa chính xác vừa kịp thời như một bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Cả một đời vì nước, vì dân, đến lúc đi xa, chúng ta vẫn tìm thấy trong tư tưởng của Người một tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân – một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới trong việc làm cho môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn.
Đảng ta kiên định với lập trường và tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường, đã tiếp tục định hướng đúng đắn Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Đất nước ta đang tiếp tục kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường – Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 là một trong những minh chứng cho điều đó.
Là cán bộ công chức trong ngành Kiểm sát mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất nhưng đầy ý nghĩa, thường xuyên nhắc nhở gia đình và người thân về bảo vệ môi trường. Mỗi chúng ta cùng thực hiện tốt những điều Bác Hồ nhắc nhở, dạy bảo về bảo vệ môi trường sống và cụ thể hơn là cùng góp sức xây dựng địa phương văn minh, xanh và sạch đẹp ./.
Phạm Duy Thơi - Nguyễn Như Sáng
Phòng 1 VKSND tỉnh