Những năm gần đây, phong trào “Cho đi là còn mãi” với hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Việc cho, tặng, hiến mô, tạng là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao cả của tấm lòng từ thiện.
(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Vẫn biết rằng, tính mạng con người là trên hết, nhưng khi không thể duy trì được sự sống thì việc hiến mô, tạng cứu người sẽ mang lại giá trị, ý nghĩa to lớn. Bởi lẽ, việc hiến mô, tạng lúc này không chỉ là việc giúp người đơn thuần, mà chính là hành động giúp “sự sống hồi sinh từ cái chết” cho một, hoặc nhiều người.
Câu chuyện của bé Nguyễn Hải A (8 tuổi) ở Hà Nội hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho nhiều người còn sống, hay câu chuyện của Thiếu tá Lê Hải N (Ninh Bình) hiến tạng để cứu nhiều người đã, đang và sẽ luôn là những tấm gương sáng về lòng nhân ái để mỗi chúng ta noi theo.
Bản thân tôi, qua thời gian tìm hiểu, đấu tranh tư tưởng, cũng như tuyên truyền, thuyết phục người thân trong gia đình về ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như là một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái, tôi đã hoàn thành thủ tục đăng ký tình nguyện hiến mô, tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế.
( Hình ảnh Thẻ ghi nhận đăng ký tình nguyện hiến mô tạng - nguồn Phòng 7)
Những năm gần đây, phong trào “Cho đi là còn mãi” với hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Việc cho, tặng, hiến mô, tạng là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao cả của tấm lòng từ thiện. Hy vọng, mỗi người trong chúng ta sẽ ngày càng hiểu hơn ý nghĩa của việc đăng ký hiến mô, tạng; quan tâm, đóng góp, mang lại sự sống và cải thiện sức khỏe cho nhiều bệnh nhân suy tạng, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn, giá trị khoa học và đạo đức của Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” do Bộ Y tế phối hợp với Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động./.
|
Trần Thu Hiền
Phòng 7 - VKSND tỉnh Hải Dương |