Tìm hiểu về: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

Thứ tư - 19/05/2021 22:13

Tìm hiểu về: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

Tháng 5 này, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2021), cử tri cả nước cũng hân hoan với ngày hội lớn, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là ngày hội toàn dân thể hiện quyền làm chủ của mình, một trong những quyền thiêng liêng mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì phấn đấu quên mình vì dân, vì nước để cho ai cũng được thực hiện quyền bầu cử.

Các ứng cử viên ĐBQH khóa I trong lễ ra mắt cử tri tại Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). (Ảnh tư liệu)

Là người kiến tạo ra nền chính trị Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được tầm quan trọng của Quốc hội trong một thể chế dân chủ-cộng hòa được khẳng định từ rất sớm trong cương lĩnh Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “...tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(1)để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó - là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân - sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Làm cho nhà nước ta trở thành nhà nước dân chủ, hợp hiến. Làm nền tảng cho việc xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì thế các đại biểu Quốc hội phải đặt mục đích phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân lên trên hết.Theo Bác: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.”(2).

Người đã căn dặn:“vào Quốc hội không phải để làm quan”(3) mà là để phục vụ nhân dân.Vì thế mà: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(4).

Những người trúng cử phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hiện câu:“Vì nước quên lợi nhà,vì lợi chung quên lợi riêng”(6).Phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng.Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ngoài Quốc hội, ai cũng phảira sức giúp ích nước nhà.Lần này không được cử,ta cứ làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì sau quốc dân nhất định sẽ cử ta.

Trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thắng lợi, ngày 15/7/1960, Người đã nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”(7).

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương. Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng chính phủ.Hội đồng chính phủ là cơ quan chấp hành pháp luật và nghị quyết của Quốc hội, là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.Trong thời gian Quốc hội không họp thì Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định.

Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960.( Ảnh tư liệu)

Tình hình thực tế hiện nay cho thấy những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên đó tính thời sự và giá trị thực tiễn nóng hổi. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt hơn.

Vượt qua đại dịch Covid-19, vượt lên mọi sự khó khăn. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 này, nhớ lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, đồng bào và cử tri cả nước nhất định sẽ lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thật sự đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm sáng, lòng trong, có trí tuệ, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng để cùng với Đảng, Nhà nước và Chính phủ gánh vác trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua thiên tai, dịch bệnh, xây dựng một nước Việt Nam vững bước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t4, tr.133;

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 145;

(4, 5, 6)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tập 4, Sđd, tr. 145, 147;

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, tr. 132.

                                                                        Thanh Tùng (tổng hợp)
VKSND huyện Cẩm Giàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây