Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Thứ tư - 18/03/2020 03:26

Tư  tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, đối với nhân dân bắt từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”, “nhân dân là người làm ra lịch sử”… Người khẳng định: Không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh nhân dân là vô địch. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong… Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân, giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Đảng lãnh đạo quần chúng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giành thắng lợi trong mỗi giai đoạn cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân đều phải có bổn phận đối với đất nước. Trong xã hội ta, nước là nước của dân; dân là chủ và dân làm chủ, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước độc lập thì ai cũng được tư do; nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Trong chế độ mới, cán bộ, công chức là người phụ trách trước đồng bào; thực hiện bổn phận trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, tổ chức, lôi cuốn nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước để nhân dân noi theo.

Về tinh thần trách nhiệm và sự cần thiết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của một cộng đồng dân tộc và nói rộng hơn là của nhân loại. Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của pháp luật, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương... 

Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh,  người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ,… Trong nội dung đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, có vấn đề về tinh thần trách nhiệm.


Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh (nguồn Internet)

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại là “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung nêu cao tinh thần trách nhiệm
Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là “Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.

  Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thân trách nhiệm.

Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác: Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Trong các bài nói, bài viết của mình người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề.

Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy, như thế là làm tròn nhiệm vụ.

Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.

Trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi: Quan liêu, theo Hồ Chí Minh, là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng…
Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”. Trong công việc thì “Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”; chậm chạp, làm cho qua chuyện. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”.

Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người  xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Nguyên nhân của bệnh quan liêu: do “Xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”, là “bạn đồng minh” của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta”. Theo Hồ Chí Minh, để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng dân chủ mới, phải “tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”, “ phải chống quan liêu”.

Do vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, Đảng viên chúng ta phải tự nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, sáng tạo vận dụng linh hoạt trong công tác, tự xây dựng, rèn luyện phong cách, tác phong để hoàn thành tốt công việc được giao./.

                                                                                                            Lê Thị Huyền (tổng hợp)
VKSND thành phố Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây