Tư tưởng Hồ Chí Minh với Thi đua - Khen thưởng

Thứ sáu - 26/03/2021 03:41

Tư tưởng Hồ Chí Minh với Thi đua - Khen thưởng

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chi Minh ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” để động viên toàn thể đồng bào, chiến sỹ trong cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Người đã hun đúc ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân bằng phong trào “Thi đua yêu nước”. Người coi thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khí phách và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong hoạt động lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân.

Ảnh: Bác Hồ về thăm Côn Sơn năm 1965 (Nguồn Internet)

Thi đua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của lòng yêu nước và là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Khi gắn thi đua với yêu nước, gắn yêu nước với thi đua, Bác Hồ đã khẳng định một nét bản sắc của dân tộc Việt Nam trong phong trào thi đua. Ai cũng có thể tìm thấy mình trong phong trào thi đua yêu nước, vì người Việt Nam nào cũng mang trong mình tình cảm yêu nước như một mạch chảy tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Thi đua yêu nước cũng là một nhân tố, là chất gắn kết, quy tụ đông đảo các giai tầng xã hội  trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi giai đoạn của cách mạng.

Theo quan điểm của Bác Hồ, thi đua phải được thể hiện bằng phong trào hành động cách mạng rộng khắp và thường xuyên. Người kêu gọi “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua…”; luôn luôn thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi giới; thi đua trong nội bộ từng ngành, từng giới; thi đua giữa các lĩnh vực, các ngành, các giới khác nhau... Người chỉ rõ: Tổ chức thi đua là công tác vận động quần chúng nên những người làm công tác thi đua “phải đi sâu đi sát phong trào, bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào...”; phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chỉ có tính hình thức, có phát mà không có động, càng không nên đầu voi đuôi chuột...

Ngay từ những ngày đầu đất nước được độc lập, toàn dân đã hưởng ứng lời kêu gọi “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; thi đua Kháng chiến - kiến quốc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta có những phong trào: Giết giặc lập công; Giúp đỡ bộ đội; Tất cả để chiến thắng, gồm: chiến thắng thực dân, chiến thắng giặc dốt, chiến thắng giặc đói, chiến thắng mọi tính xấu trong ta.

Trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, chúng ta đã có nhiều phong trào: Phong trào thi đua của Công - Nông - Binh với Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì Miền Nam ruột thịt”; phong trào phấn đấu đạt danh hiệu Hai tốt, Ba nhất, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang... Phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp đã đem lại nhiều kết quả to lớn, xuất hiện nhiều tấm gương thi đua yêu nước trong lao động, chiến đấu, học tập, nghiên cứu khoa học…, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xây dựng kế hoạch thi đua cần xác định rõ thời gian, địa điểm, định mức công việc thực hiện một cách cụ thể, tránh đại khái chung chung. Người yêu cầu: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ, tự giác làm. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tránh đại khái, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”.

Trong tổ chức thi đua, Người nhấn mạnh: “Thi đua” không phải là “ganh đua”, không được bất chấp mọi mánh khóe để chạy theo thành tích, đạt được thành tích bằng mọi giá; mà tổ chức “thi đua” là để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng, phải biết tổ chức nội dung thi đua sao cho phù hợp, không câu nệ phô trương hình thức.

Nhìn nhận một cách tổng quát, nếu thi đua là động lực để thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng, thì khen thưởng cũng là một động lực để thúc đẩy thi đua phát triển. Thi đua và khen thưởng là hai mối quan hệ khắn khít bổ sung, hỗ trợ cho nhau. 

Bác Hồ đã chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua thì phải có khen thưởng. Đây là một việc quan trọng của công tác tổ chức thi đua. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng là hình thức xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên khuyến khích mọi người, mọi nhà hăng hái thi đua, tạo được nhiều thành tích cho cách mạng, trực tiếp làm cho phong trào thi đua phát triển.Nếu khen thưởng không kịp thời, không đúng người, đúng việc sẽ triệt tiêu động lực thi đua và hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, gây hậu quả xấu đối với xã hội.  

Vì vậy, để tổ chức phát động phong trào thi đua có hiệu quả, cần quán triệt và vận dụng đúng đắn phương pháp thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn, tránh tình trạng tổ chức, phát động thi đua theo lối khoa trương, hình thức. Thi đua phải có mục tiêu cụ thể, có tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết. Phải động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho cá nhân, tập thể lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thi đua kế tiếp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Cần đổi mới cách thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua theo hướng thiết thực, tiết kiệm, tránh bệnh thành tích trong thi đua, phát động các phong trào thi đua phải phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú ý phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu; xây dựng môi trường thi đua dân chủ, bình đẳng, có như vậy thi đua mới trở thành phong trào rộng khắp và thực sự có ý nghĩa./.

                                                                             Nguyễn Ngọc Đức
VKSND Tp Chí Linh (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây