Vai trò của phụ nữ trong xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ tư - 10/03/2021 03:35

Vai trò của phụ nữ trong xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhất quán tư tưởng, mục đích cao nhất là giải phóng con người và ra sức đấu tranh để đòi lại những quyền thiêng liêng của con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho họ. Bởi, dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Trong khi đó, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Người phụ nữ còn có thiên chức đặc biệt: tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Người viết:

 “Phụ nữ ta chẳng tầm thường

 Đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời”

 Ngày nay, những tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ, về vai trò của phụ nữ trong xã hội vẫn còn nguyên giá trị.

Bác Hồ với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: sưu tầm)

Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam và cho chúng ta thấy những nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Với họ, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng do đảng cách mạng lãnh đạo. Điều này có thể lý giải tại sao từ năm 1910, thế giới tiến bộ lấy ngày 08 tháng 3 là “Ngày đàn bà và con gái”, sau đổi là Ngày Phụ nữ quốc tế, nhằm đoàn kết phụ nữ các nước đấu tranh để giải phóng giới mình, giành các quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị và xã hội cho họ; cũng vì vậy mà khi thành lập Quốc tế Cộng sản (3/1919) hay Quốc tế III đã tổ chức phụ nữ quốc tế vì những mục tiêu đó.

Bác Hồ thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ nói riêng. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người cũng rút ra kết luận “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, rồi Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

Tuy Bác Hồ không viết những tác phẩm lớn về vấn đề giải phóng phụ nữ, nhưng từng nơi, từng lúc, những câu nói của Người về bình đẳng nam nữ thật giản dị và dễ hiểu. Người nói:“Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”.

Quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ theo Bác là “Người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác đề cập trên nhiều lĩnh vực, nhưng nổi rõ nhất trên hai lĩnh vực sau:

Một là, lĩnh vực quyền và lợi ích: Trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Bác viết “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”. Hay “Phụ nữ phải tham gia vào các cấp chính quyền, vào bộ máy lãnh đạo các ngành từ cơ sở đến trung ương, vào ban quan trị”.

Hai là, lĩnh vực gia đình: theo Bác Hồ thì việc giải phóng sức lao động của phụ nữ chính là giải phóng phụ nữ khỏi những công việc không tên của gia đình. Bác thường nói “Nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc”.

Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Những câu nói của Người ngắn gọn, súc tích nhưng chứa nhiều hàm ý sâu sắc, như những lời răn dạy, chỉ dẫn quý báu đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và bản thân phụ nữ trong đấu tranh thực hiện quyền của phụ nữ, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới trong giai đoạn hiện nay.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về vai trò của người phụ nữ, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa, phụ nữ ngày nay nói chung và phụ nữ ngành Kiểm sát Hải Dương nói riêng, trong thời đại mới không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hoá, hoàn thiện về tri thức kỹ năng sống, phấn đấu vươn lên thể hiện năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của mình, phù hợp với yêu cầu của đời sống, công tác, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

                                                                         

Nguyễn Thị Hiên

VKSND huyện Nam Sách (Sưu tầm)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây