Huyện Cẩm Giàng nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hải Dương, là huyện có số lượng khu công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh. Trong những năm vừa qua, huyện Cẩm Giàng đã thực hiện nhiều chính sách đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống của nhân dân được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ xảy ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như quản lý, sử dụng đất đai; quản lý thuế, tài chính, kế toán; mua sắm tài sản công …
(Hình ảnh VKSND huyện Cẩm Giàng triển khai công tác năm)
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lãnh đạo VKSND huyện Cẩm Giàng luôn xác định công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, là trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, triển khai, thực hiện nghiêm túc, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 22/3/2019 và Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân; Các kế hoạch, chương trình công tác của Ban chỉ đạo huyện Cẩm Giàng về phòng, chống tham nhũng ...
Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng đã chủ động đề ra các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; bám sát tiến độ điều tra vụ án, kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đề ra yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra 100% các tin báo, vụ án; các vụ án được nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ một cách toàn diện, khách quan. Từ đó đề xuất, báo cáo lãnh đạo Viện hướng xử lý và ra các quyết định giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo. Viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra, kịp thời trao đổi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là hoạt động trưng cầu giám định, áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi tài sản tham nhũng...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo đơn vị và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan tố tụng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên luôn cố gắng, nỗ lực, trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng đã đạt được những kết quả cao trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể, từ năm 2022 đến 31/8/2023, đơn vị đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân huyện xác minh, giải quyết nhiều vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Điển hình như:
Vụ án Nguyễn Ngọc Đường, phạm tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự, như sau: Từ ngày 16/9/2022 đến ngày 29/9/2022, trong thời gian mở bán hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thuộc Dự án khu dân cư, khu văn chỉ, nghĩa trang liệt sỹ, bể bơi thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Nguyễn Ngọc Đường là Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang vì vụ lợi đã có hành vi lợi dụng vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái các quy định của pháp luật trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thuận, bao che và có hành vi giúp sức cho Phạm Văn Thủy, sinh năm 1970, trú tại khu 1, thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng và các đối tượng khác thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở người dân mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án (Sau khi xác minh, cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Đường, vụ án đã được xét xử).
(Ảnh: Toàn cảnh phiên tòa xét xử Phạm Văn Thủy cùng đồng phạm)
Vụ án Phạm Văn Thủy phạm tội: “Trốn thuế”, theo quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự, như sau: Để hợp thức hóa đơn đầu vào đối với nhiên liệu dầu Diezel và nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình thi công Dự án, Phạm Văn Thủy, Hoàng Thị Điều, Phạm Thị Huê và Nguyễn Thị Hiên đã bàn bạc, thống nhất mua của Công Ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch Vụ Tiến Minh 26 hóa đơn GTGT khống mặt hàng dầu Diezel 0,05S-II và của của công ty TNHH Bảo Minh Hưng 4 hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo. Phạm Văn Thủy, Hoàng Thị Điều đã sử dụng 30 hóa đơn mua trái phép của công ty TNHH Bảo Minh Hưng và công Ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch Vụ Tiến Minh để kê khai thuế GTGT kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7 năm 2022 tại Chi cục thuế khu vực Cẩm Bình làm tăng số tiền thuế GTGT được khấu trừ của công ty TNHH Mạnh Anh là 1.518.582.628 đồng (vụ án đã được xét xử).
Vụ án Phạm Văn Luận và đồng phạm, phạm tội: “Mua bán hóa đơn”, theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự, như sau: Trong tháng 6/2022, tháng 7/2022, Phạm Văn Luận là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Tiến Minh cùng với Bùi Thị Thu Hằng là Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Vân là nhân viên Phòng kinh doanh của công ty đã có hành vi bán 26 hóa đơn GTGT khống ghi nội dung bán mặt hàng dầu Diezel 0,05S-II, với giá 700đồng/01 lít dầu ghi trên hóa đơn nhưng không kèm theo hàng hóa, dịch vụ cho công ty TNHH Mạnh Anh, địa chỉ tại thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, thu lợi bất chính số tiền 94.245.900 đồng (vụ án đã được xét xử).
Vụ án Nguyễn Bá Sang và đồng phạm, phạm tội “Mua bán hóa đơn”, theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự, nội dung: Trong khoảng thời gian tháng 6, tháng 7 năm 2022, Ngô Công Tới là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công Tới, đã có hành vi bán trái phép 04 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá bằng 6% tiền hàng trên hóa đơn cho Nguyễn Bá Sang, sinh năm 1982 và vợ là Đỗ Thị Lan Anh (Nguyễn Bá Sang là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Bảo Minh Hưng). Từ việc bán trái phép 04 hóa đơn cho Nguyễn Bá Sang và Đỗ Thị Lan Anh, ông Ngô Văn Tới đã thu lợi bất chính số tiền là: 687.160.200 đồng (vụ án đã được xét xử).
Các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế đều được khởi tố điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật, không xảy ra trường hợp bị oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, một số vụ án đã khởi tố, điều tra, xét xử đối với người đứng đầu của một số cơ quan nhà nước. Điều đó cho thấy tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm” của đơn vị nói riêng và của các Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cẩm Giàng nói chung.
Không chỉ đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng còn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính nội bộ đơn vị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Viện kiểm sát là cơ quan tư pháp, nắm trong tay quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thừa hành quyền lực nhà nước trong việc tiến hành tố tụng. Như vậy, khi trong tay nắm quyền lực thì việc xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu nhân dân là điều có thể xảy ra, thậm chí có nơi, có chỗ coi công tác tiến hành tố tụng là mảnh đất màu mỡ để “hưởng lợi”. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Với tinh thần đó, Lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt đến toàn thể công chức, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm, cam kết chống các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, luôn trau dồi đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Khi giải quyết vụ án hình sự, các Kiểm sát viên luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, luôn đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai và không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Khi lượng hình, đề xuất mức hình phạt, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật còn cần phải căn cứ vào nhân thân, hoàn cảnh của người phạm tội và các tình tiết khác có liên quan để đưa ra quyết định hội tụ được cả tính “răng đe, phòng ngừa”, nhưng vẫn thể hiện được tính “khoang hồng” của pháp luật.
Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cho bị cáo trong các vụ án hình sự rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc đưa hối lộ để “chạy án” hoặc lợi dụng quyền lực tư pháp Nhà nước trao cho để hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân khi giải quyết án vẫn có lúc, có nơi còn diễn ra. Điển hình đã có một số cán bộ Kiểm sát, Tòa án bị bắt, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trên. Nhận thức được điều đó, Lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt cán bộ, Kiểm sát viên giữ vững lập trường, tư tưởng và bản lĩnh cách mạng, không gục ngã trước những cám dỗ về vật chất mà lung lay ý chí chiến đấu, thui chột lý tưởng cách mạng. Từ đó, Lãnh đạo, Kiểm sát viên của đơn vị luôn công tâm trong việc đề xuất mức hình phạt, đảm bảo hình phạt luôn tương xứng với hành vi phạm tội, làm cho bản án được ban hành “có lý, có tình”. Kiên quyết không để xảy ra việc “quan xử nhẹ, dân xử nặng”; không để xảy ra việc tiêu cực để xử nhẹ đối với người phạm tội “nặng” hoặc xử nặng đối với những người phạm tội “nhẹ” để sách nhiễu nhân dân. Từ đó, tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp của Ngành, tôn vinh nét đẹp người cán bộ Kiểm sát nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào ngành Kiểm sát cũng như nền tư pháp nước nhà và để xứng đáng với 10 chữ vàng 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng. Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ngành, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, xây dựng tập thể đoàn kết, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh để tiếp tục sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ mới.
Nguyễn Thị Ngọc Liên
VKSND huyện Cẩm Giàng