Mãi tự hào Ngành kiểm sát nhân dâ

Thứ ba - 26/07/2022 04:55

Mãi tự hào Ngành kiểm sát nhân dâ

Tháng 7 lại về, tháng của hoa phượng đỏ rực, của những bằng lăng tím ngắt một bầu trời, của tiếng ve kêu râm ran và cũng là tháng của ngành chúng tôi “Ngành kiểm sát nhân dân”, đã trải qua 62 năm phát triển và trưởng thành (26/7/1960-26/7/2022).

Tôi lớn lên ở một vùng quê làm nông nghiệp, tuổi thơ chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, xóm làng, cuộc sống thì nhiều khó khăn nên không dám mơ ước có được công việc ổn định. Học hết lớp 12, tôi thi vào trường Đại học Luật Hà Nội và khi ra trường chưa định hướng làm nghề gì bởi ngành nghề trong xã hội thì muôn màu, muôn vẻ, mỗi ngành nghề lại có những nét đặt trưng riêng. Trong một lần tôi được tham dự phiên tòa xét xử lưu động tại UBND xã, tôi thấy Kiểm sát viên luận tội, tranh luận với Luật sư với những lập lập sắc bén, thuyết phục, tôi thật sự thấy ấn tượng. Nên tôi chọn ngành Kiểm sát nhân dân bởi tôi màu áo xanh bình dị, bởi có những con người luôn tận tâm, hết lòng vì công lý.

 Ngày 15/01/2011, tôi được tuyển dụng vào Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương và được phân công công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng cho đến nay. Ngày 01/5/2015, tôi được bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp, trách nhiệm đặt trên vai màu áo xanh càng nặng nề hơn nên bản thân phải tự cố gắng học hỏi, trao dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt công việc được giao. Kiến thức học trong trường khác xa với thực tiễn công việc, tôi phải học qua hồ sơ vụ án, qua sự chỉ bảo, đào tạo của các thế hệ Lãnh đạo, của các kiểm sát viên có kinh nghiệm rồi dần dần rút ra những bài học cho bản thân trong từng khâu công tác được phân công.



(Hình ảnh các Kiểm sát viên)

Khi thực hiện quyền năng của mình, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các căn cứ, quy định của pháp luật để giải quyết các vụ việc một cách đúng đắn vì mỗi quyết định của Viện kiểm sát ban hành không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người đó, mà còn ảnh hưởng đến cả một gia đình, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Nghề nghiệp nào cũng có khó khăn, gian khổ, cũng phải hy sinh vì công việc. Ngành kiểm sát nhân dân cũng vậy, chúng tôi luôn đề cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Phải luôn ghi tâm những lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đã đứng trong hàng ngũ kiểm sát phải phấn đấu nỗ lực hết mình, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung của đất nước. Vì thế đối với vụ việc đơn giản, Kiểm sát viên không được chủ quan mà luôn phải thận trọng. Còn với các vụ việc phức tạp, Kiểm sát viên không nản chí để tìm ra chứng cứ thuyết phục, đúng quy định, đề xuất Lãnh đạo ban hành các quyết định có căn cứ.

Vào ngành đã gần 11 năm, có những kỷ niệm mà tôi khó quên được, đó là vụ án được xét xử vào gần dịp tết nguyên đán, đối với bị cáo Nguyễn Đăng Kh, bị xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, theo Điều 190 Bộ luật hình sự. Qúa trình xét hỏi tại phiên tòa, tôi hỏi bị cáo: Tại sao sản xuất pháo để bán? (lúc này Kh đang học lớp 11), Kh trả lời: Bởi vì bố mẹ ly hôn từ khi Kh mới được 01 tuổi, Kh ở với mẹ, nhưng sau đó mẹ bỏ nhà đi Trung Quốc không liên lạc gì về nhà. Còn bố  và anh trai sống trên Hà Nội. Kh ở với bà ngoại đã già yếu. Việc học hành và sinh hoạt của hai bà cháu là do các bác của Kh hỗ trợ. Khi nghỉ hè, Kh đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Để có tiền đóng học và giúp đỡ bà ngoại Kh lên mạng xem cách làm pháo và mua dụng cụ về làm để bán. Khi nghe bị cáo trình bày như vậy tôi thấy sống mũi cay cay, cả hội đồng xét xử đều trùng xuống. Dù biết hành vi của bị cáo là vi phạm phạm luật nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo chưa đủ tuổi thành niên nên chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hơn nữa không được sự bảo ban, giáo dục của gia đình. Qúa trình học tập, bị cáo là học sinh ngoan, được tặng nhiều giấy khen nên xét thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, tạo điều kiện cho bị cáo một cơ hội để sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời. Tôi đại diện Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án treo và đã được hội đồng xét xử chấp nhận. Sau khi tuyên án, tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt của hai bà cháu, lòng cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Và đúng như lời bài hát về ngành kiểm sát “Ngành của chúng tôi tha thiết tình đời. Luôn sống thương người như thể thương thân. Thiện ác phân minh sáng ngời chân lý. Luôn soi chính mình trong gương sáng nhân dân”.

Ngành kiểm sát của chúng tôi nữ giới chiếm tỷ lệ cao nên công việc càng vất vả hơn nhiều nhưng với niềm đam mê với ngành, yêu nghề thì dù có khó khăn đến mấy thì chúng tôi những nữ kiểm sát viên đều vượt lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và ngành đã giao. Có những lúc thức thâu trưa để cố làm xong đề xuất phê chuẩn khởi tố bị can, có những ngày thức thâu đêm khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhưng sau những ngày làm việc vất vả ấy chúng tôi vẫn nở nụ cười rạng rỡ bởi đó không phải chỉ là trách nhiệm với công việc mà là một phần hơi thở của chúng tôi. Như lời bài hát Tự hào khúc ca ngành kiểm sát nhân dân đã ca ngợi “Hát về anh, những chiến sỹ ngành Kiểm sát nhân dân. Hát về em, những chiến sỹ ngành Kiểm sát nhân dân. Tôi yêu, yêu ngành kiểm sát, cuộc đời đẹp sao. Ngành kiểm sát nhân dân ta luôn mãi tự hào

Tôi luôn tự hào là một Kiểm sát viên trong ngành kiểm sát nhân dân, bản thân sẽ luôn cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để góp một phần công sức trong việc xây dựng và phát triển của ngành.

                                                                Đỗ Thị Xoa
VKSND huyện Cẩm Giàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây