Trải qua 64 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tích đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Chúng ta cùng ôn lại truyền thống của ngành Kiểm sát để từ đó thấy được công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng nên cơ nghiệp của ngành Kiểm sát nhân dân như hôm nay.
I. Viện công tố - tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân
Ở nước ta, từ năm 1945 đã bắt đầu hình thành cơ quan công tố. Trong Hiến pháp 1946, vẫn chưa có chế định Viện công tố. Các cơ quan tư pháp chỉ có Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa đệ nhị cấp và không nói đến Viện công tố. Sau đó, một loạt các sắc lệnh của Chính phủ được ban hành thì cơ quan công tố nằm trong hệ thống tổ chức của Tòa án. Hệ thống này do Bộ Tư pháp quản lý.
Ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc Hội khóa I, Quốc hội đã thảo luận đề án của Chính phủ: Thành lập Tòa án tối cao và hệ thống Tòa án, Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố. Cả hai cơ quan tách khỏi Bộ Tư pháp. Tòa án tối cao và Viện công tố trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn ngang Bộ và trực thuộc Chính phủ.
Năm 1959, trên cơ sở Nghị định 256 ngày 1-7-1959, Nghị định 321 ngày 2-7-1959 của Chính phủ, Viện công tố với tư cách là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hệ thống cơ quan công tố được tách ra khỏi Bộ Tư pháp.
II. Tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ
1. Giai đoạn 1946 đến 1959:
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bức thiết đang đặt ra lúc bấy giờ, Hiến pháp năm 1959 đã lần đầu tiên ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Theo Điều 105 Hiến pháp năm 1959, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền trong phạm vi do luật định.
Tháng 7 năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ngày 26/7/1960. Đây là các đạo luật quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Ngày 26/7 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Giai đoạn 1960 - 1975:
Sau khi được thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân vừa phải lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra. Với phương châm: “vừa chiến đấu vừa xây dựng”, ngành Kiểm sát đã coi trọng việc khai thác và vận dụng những kinh nghiệm của Viện công tố trước đây, tham khảo kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy để triển khai nhiệm vụ và bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.
Năm 1971 ngành Kiểm sát cũng liên tiếp tổ chức các hội nghị chuyên đề về từng khâu nghiệp vụ, về đấu tranh chống từng loại tội phạm, tổng kết công tác kiểm sát phục vụ chính sách dân tộc của Đảng, tổ chức rút kinh nghiệm về một số biện pháp nghiệp vụ thể hiện phương châm vừa chống vừa xây, lấy xây làm mục đích. Đã tích cực chủ động mở Trường đào tạo cán bộ kiểm sát theo hệ chính quy, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ trong ngành về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ cho ngành.
Trong 15 năm (1960 – 1975), ngành Kiểm sát đã đạt được những kết quả to lớn trong việc thực hiện chức năng kiểm sát, phục vụ tích cực hai nhiệm vụ chiến lược: ở miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời, là hậu phương vững chắc cho miền Nam; ở miền Nam, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Viện kiểm sát nhân dân đã thực hiện được các nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh chống lại bọn phản cách mạng, bảo vệ các quyền dân chủ của công dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý của Nhà nước.
3. Giai đoạn từ 1975 đến 1986:
Chuyển sang thời kỳ mới, ngành Kiểm sát có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Hiến pháp mới (1980) xác định nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý Nhà nước. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (1981) một lần nữa đã khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước.
Về xây dựng ngành, trên cơ sở Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, ngành Kiểm sát đã xây dựng Quy chế ngạch kiểm sát viên, trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, xây dựng các điều lệ công tác, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc của mỗi cấp kiểm sát, các quy chế về trình tự hoạt động của từng phương thức kiểm sát làm cơ sở đưa hoạt động kiểm sát đi dần vào nề nếp và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong ngành. Quan hệ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan hữu quan được chú ý. Việc phối hợp 3 ngành Kiểm sát, Công an, Toà án cùng kiểm tra công tác giải quyết án hình sự ở một số tỉnh, thành phố lớn trong thời kỳ này đã đưa lại kết quả tích cực.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ được đặc biệt quan tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành được thực hiện ở tất cả 3 cấp với những hình thức thích hợp: tập trung tại trường, tại chức, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và ngoài nước.
Công tác tổng kết nghiệp vụ, xây dựng lý luận khoa học công tác kiểm sát thời kỳ này được chú ý. Trên cơ sở những luận điểm của Đảng ta về chuyên chính vô sản, về pháp chế xã hội chủ nghĩa và công tác kiểm sát kết hợp với tổng kết công tác thực tiễn và tổng kết lý luận, ngành Kiểm sát đã bước đầu xây dựng được hệ thống giáo trình môn học công tác kiểm sát tương đối hoàn chỉnh, hoàn thành việc biên soạn cuốn "Sổ tay của kiểm sát viên". Quan hệ hợp tác tương trợ giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em từng bước được mở rộng.
4. Thời kỳ từ năm 1986 đến nay
Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung) những năm 1986 – 2002 đã luôn luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội.
Ngành Kiểm sát đã tổ chức nhiều Hội nghị pháp chế ở Trung ương và địa phương nhằm phòng ngừa vi phạm, phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Hàng năm, ngành Kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự, yêu cầu xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực được kiểm sát, tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên các cuộc kiểm sát đã đạt chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Qua kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật, hàng năm, ngành Kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị khắc phục hàng nghìn văn bản có vi phạm pháp luật.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ
Năm 2002, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa.
Năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới vào ngày 28/11/2013. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Hiến pháp 2013 đã có những nội dung mới quan trọng về chế định Viện kiểm sát nhân dân; bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có nhiều quy định mới trong đó có những quy định đã xác định rõ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân được xác định là thiết chế kiểm sát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Những thành tựu ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong 64 năm qua là kết quả phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, kiểm sát viên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Để kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của 64 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tiếp tục sự nghiệp của các thế hệ cán bộ kiểm sát đi trước. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
|
Nguyễn Thị Thu Hà
VKSND Tp Chí Linh |