Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự: Phát huy truyền thống- Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương

Thứ sáu - 22/05/2020 00:16

Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự: Phát huy truyền thống- Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương

Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự  (Phòng 7), là  đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương (VKSND), có chức năng tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tỉnh trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (THQCT, KSXX), nhằm bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đảm bảo cho hoạt động xét xử và kiểm sát xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.


Tập thể công chức Phòng 7

Đồng chí Phạm Văn Quang- Viện trưởng VKSND tỉnh
trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2019
của Viện trưởng VKSND tối cao  cho tập thể Phòng 7

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự được quy định ngay từ khi ngành kiểm sát được thành lập vào ngày 27/6/1960 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20-LTC công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; theo đó công tác "Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân" là một trong 6 công tác của ngành Kiểm sát, tiếp tục được củng cố hoàn thiện cùng sự phát triển lớn mạnh của ngành Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ.

Tại tỉnh Hải Dương, tiền thân của đơn vị Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) chính là các hoạt động xét xử phúc thẩm, thuộc Bộ phận hình sự từ năm 1961 đến năm 1975; thuộc Tổ kiểm sát xét xử án hình sự từ năm 1976 đến năm 1982. Là nhiệm vụ của Phòng kiểm sát xét xử và chấp hành án hình sự từ năm 1982 đến 1989; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thi hành án hình sự từ năm 1990 đến năm 1994; Phòng kiểm sát xét xử án hình sự từ năm 1994 đến năm 2003; Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự từ năm 2003 đến năm 2014 (Phòng 3). Từ khi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có hiệu lực thì Phòng 7 không làm công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự nữa (nhiệm vụ này do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện) và chỉ thực hiện hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự.

Do có sự thay đổi của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát qua các thời kỳ nên chức năng nhiệm vụ của đơn vị Phòng 7 cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên dù thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn nào, thời kỳ nào thì Phòng 7 cũng lấy mục tiêu đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội là nhiệm vụ xuyên suốt, bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời.

Thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Lãnh đạo quản lý và kiểm sát viên, công chức Phòng 7 đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng năm phòng đã chủ động xây dựng chương trình công tác bám sát Kế hoạch của VKSND tỉnh, Chỉ thị 08, 09 của Viện trưởng VKSND tối cao, lấy việc tăng cường kháng nghị phúc thẩm làm khâu đột phá và lấy tranh tụng làm chìa khóa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tăng cường kiểm sát Bản án, Quyết định của cấp sơ thẩm, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Thông qua công tác kiểm tra Bản án, Quyết định sơ thẩm, đã làm tốt công tác hướng dẫn đối với VKSND cấp huyện trong công tác kiểm sát xét xử, giúp VKSND cấp huyện kháng nghị, kiến nghị kịp thời đối với những vi phạm của Tòa án và các cơ quan, tổ chức có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm.

Trong 3 năm (2017-2019), các Kiểm sát viên phòng 7 đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm 624 vụ/928 bị cáo, tham mưu kháng nghị phúc thẩm 16 vụ/24 bị cáo. Kết quả xét xử đều chấp nhận kháng nghị, đạt tỉ lệ 100%. Nhiều vụ án, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa của Kiểm sát viên được cấp ủy đánh giá cao, chính quyền ủng hộ, nhân dân tin tưởng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị địa phương và  yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, như vụ cháy Trung tâm thương mại tỉnh Hải Dương, vụ Gây rối trật tự công cộng tại Ứng Hòe, Ninh Giang, vụ Nguyễn Cướp giật tài sản liên tỉnh, liên huyện, tại Hưng Yên, huyện Cẩm Giàng, TP. Hải Dương và nhiều vụ án nghiêm trong, phức tạp khác...

Để thực hiện nhiệm vụ, Phòng 7 đã tham mưu với Lãnh đạo viện thực hiện nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo triển khai thực hiện trong các đơn vị hai cấp như xây dựng chuyên đề nghiệp vụ nâng cao chất lượng tranh tụng; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong việc Thực hành quyền công tố- kiểm sát xét xử án hình sự, án trọng điểm, phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động; Tăng cường đổi mới công tác hướng dẫn các đơn vị hai cấp trong việc kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Kịp thời tham mưu triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; Kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ bằng văn bản; Kiểm sát đột xuất các phiên tòa xét xử sơ thẩm án hình sự, kịp thời phát hiện thiếu sót, lập biên bản rút kinh nghiệm trực tiếp với kiểm sát viên ngay sau phiên tòa;

Tham mưu giúp Lãnh đạo viện tổng hợp, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác THQCT- KSXX án hình sự; chú trọng chỉ đạo đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án có bị cáo kêu oan, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nhằm nâng cao tính thuyết phục trong tranh tụng, lập kế hoạch tổ chức các phiên tòa trực tuyến đến Viện kiểm sát hai cấp, qua đó rút kinh nghiệm phòng ngừa vi phạm.


(Toàn cảnh một phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm của Phòng 7)

Với sự nỗ phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, kiểm sát viên, công chức qua các thời kỳ, Phòng 7 đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: năm 2004 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Viện KSND tối cao tặng bằng khen Tập thể dẫn đầu khối; năm 2008 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2006 được Tỉnh ủy tặng Bằng khen; các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2009, 2014, 2018, 2019 được Viện KSND tối cao tặng Cờ thi đua tập thể dẫn đầu phong trào thi đua.


Đồng chí Phạm Văn Quang- Viện trưởng VKSND tỉnh tặng giấy khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, trong đó có Phòng 7

Sự ghi nhận thành tích trên của Nhà nước, của Ngành, của địa phương là nguồn động viên to lớn khích lệ toàn thể công chức Phòng 7 tiếp tục phát huy truyền thống, - Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương  phấn đấu vươn lên, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát Hải Dương trong sạch, vững mạnh.

                                                                                                            Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Phòng 7- Viện KSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây