Giải quyết vụ cháy nhà xưởng theo góc nhìn của luật dân sự

Thứ năm - 18/07/2024 06:19
Vừa qua Phòng 9, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa các đương sự: Nguyên đơn: Công ty TNHH VH Hải Dương; Địa chỉ trụ sở: thôn ĐG, xã LĐ, huyện CG, tỉnh Hải Dương. Bị đơn: Công ty TNHH SOC Việt Nam; Địa chỉ trụ sở: thôn ĐG, xã LĐ, huyện CG, tỉnh Hải Dương. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Công ty TNHH HA. Địa chỉ trụ sở: thôn ĐG, xã LĐ, huyện CG, tỉnh Hải Dương.
Nội dung vụ kiện:
Công ty TNHH VH Hải Dương (viết tắt là Công ty VH) thuê nhà xưởng A6 của Công ty TNHH HA (viết tắt là Công ty HA) và được bàn giao từ ngày 01/3/2018. Khoảng 02 giờ 30 phút ngày 11/10/2021, xảy ra vụ cháy tại Nhà xưởng A5 của Công ty TNHH SOC Việt Nam (viết tắt là Công ty OC) đã làm cháy lan sang nhà xưởng A6 của Công ty VH liền kề. Công ty VH đã tìm mọi biện pháp để khắc phục cùng với đơn vị Phòng cháy chữa cháy để bảo vệ tài sản và nhà xưởng nhưng hậu quả thiệt hại quá lớn, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Kết luận giám định số 3891/C09-P2- ngày 14/11/2021 của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận: Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Tây, cách tường phía Nam 14,5m, bên trong xưởng sản xuất của Công ty OC thuê nhà xưởng A5 của Công ty HA. Nguyên nhân cháy: do chập mạch điện ở ổ cắm điện, gắn trên tường phía Tây, làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên. Việc cháy nhà xưởng của Công ty VH vào ban đêm là sự kiện bất khả kháng, gây thiệt hại nặng nề toàn bộ máy móc, thiết bị đang hoạt động trong nhà xưởng; các tài liệu chứng minh về số lượng tài sản trong nhà xưởng đã bị cháy hết; máy móc thiết bị không có bảo hiểm nên căn cứ vào Phụ lục thống kê thiệt hại tài sản của Công ty VH; Phụ lục nguyên liệu phôi bán thành phẩm tháng 9 của Công ty VH ngày 27/6/2022, do Công ty VH lập; tờ khai hải quan; Hóa đơn giá trị gia tăng; tại Đơn khởi kiện Công ty VH yêu cầu Công ty OC bồi thường thiệt hại 4.784.352.604đ. Trước và tại phiên tòa Công ty VH thay đổi, rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với các tài sản thứ tự số 8,9, 15, 17 Phụ lục thống kê thiệt hại tài sản thiết bị máy móc và toàn bộ tài sản trong phụ lục nguyên phôi tháng 9; Công ty VH đề nghị công OC bồi thường thiệt hại giá trị các tài sản còn lại (mục 01-07, 10-14 và 16) theo Phụ lục thống kê thiệt hại tài sản thiết bị máy móc sau khi đã tính toán trừ khấu hao còn lại là 1.399.278.060đ.
Đối với yêu cầu độc lập của Công ty HA, Công ty VH bác bỏ toàn bộ vì cơ bản các yêu cầu đã được giải quyết xong tại Biên bản thỏa thuận bồi thường giữa Công ty HA và Công ty OC ngày 18/7/2022.
Ảnh minh họa phiên tòa
Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thấy như sau:
Thứ nhất: Tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự xác định hệ thống tải điện là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ. Căn cứ quy định tại mục 3 Điều 3 Thông tư 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định về hệ thống tải điện của Bộ Công thương giải thích về lưới điện phân phối: “Lưới điện phân phối là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp đến 110KV”. Như vậy, hệ thống tải điện có điện áp trên 110KV mới được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong khi việc chập mạch điện dây cháy xảy ra trong hệ thống nhà xưởng của công ty DS, có điện áp dưới 22KV nên không phải là là nguồn nguy hiểm cao độ. Do vậy, không thể áp dụng quy định Điều 601 BLDS để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hệ thống điện. Vì vậy, sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm căn cứ xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo quy định của BLDS thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị cháy; đây được xác định là yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo Điều 589 Bộ luật dân sự.
Thứ hai: Căn cứ để xác định có thiệt hại xẩy ra hay không, nguyên đơn xác định tổng thiệt hại giá trị tài sản các hạng mục ( từ 01-07, 10-14 và 16) theo Phụ lục thống kê thiệt hại tài sản thiết bị máy móc sau khi đã tính toán trừ khấu hao còn lại là 1.399.278.060đ; bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không thừa nhận thiệt hại nêu trên. Đánh giá, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn (công ty OC) và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (công ty HA) đều thừa nhận nhà xưởng A6 của công ty VH thuê của công ty HA sát liền kề nhà xưởng số 04 (tức A5) của công ty OC, hai nhà xưởng chung nhau 1 bức tường xây 10 lửng, phía trên chắn tôn, trước khi cháy có thấy nhiều máy móc thiết bị đặt tại xưởng A6 và người của công ty VH vận hành sử dụng, còn máy móc thiết bị của công ty nào thì không rõ và không xác định được gồm những máy móc gì. Đêm ngày 11/10/2021 tại nhà xưởng số 04 (A5) của công ty OC đã xảy ra chập mạch điện ở ổ cắm trên tường làm cháy nhà xưởng A5 của công ty OC; sau đó cháy lan sang nhà xưởng A6 của công ty VH là có thật. Khám nghiệm hiện trường tại nhà xưởng A6 vào hồi 08 giờ 30 phút ngày 16/10/2021 có nhiều xác máy bị cháy cụ thể như: máy cắt, máy dán và đóng gói, máy in màu, máy cắt phôi, máy nén khí. Thẩm định tài sản xác nhận tại 2 bãi chứa có 15 hạng mục xác máy còn đọc được mã số hoặc seri. Sau khi đối chiếu các tài sản có mã số hoặc seri liệt kê tại Biên bản thẩm định trùng với 13/17 hạng mục có trong Phụ lục máy móc thiết bị công ty VH yêu cầu.
Xét giá trị thiệt hại của 13 hạng mục máy móc nêu trên, thấy rằng: Tại Công văn số 01/2023/HĐĐGTS ngày 19/9/2023 Hội đồng định giá xác nhận: Đối chiếu Phụ lục I khung thời gian trích khấu hao các loại TSCĐ bàn hành kèm Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định Công ty VH áp dụng theo thông tư trên là có căn cứ. Đồng thời còn phải căn cứ vào Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ tài chính. Do đó, sau khi tính toán trừ khấu hao sử dụng theo tinh thần của hướng dẫn trên; Giá trị thiệt hại tài sản tổng là: 1.399.278.060đ. Sau khi hỏa hoạn xẩy ra toàn bộ tài sản của Công ty VH bị cháy trụi đã trở thành phế liệu 34.649kg sắt vụn định giá được 311.841.000đ hiện Công ty HA đang quản lý, nên giá trị thiệt hại còn lại là: 1.087.437.060đ.                                                                                                
Thứ ba, xác định lỗi dẫn đến thiệt hại: Theo kết luận của Bộ công an và Biên bản khám nghiệm hiện trường thì sự kiện pháp lý cháy xảy ra là do chập mạch điện tại ổ cắm trên tường của Công ty OC dẫn đến cháy toàn bộ nhà xưởng số 4 (A5) của Công ty OC và cháy lan sang nhà xưởng A6 của Công ty VH, gây ra thiệt hại tài sản cho công ty OC và Công ty VH. Mặc dù không xác định có yếu tố tác động của con người nhưng cần đánh giá yếu tố lỗi chính dẫn đến cháy nhà xưởng và thiệt hại của Công ty VH là của Công ty OC.
Mặc dù Công ty HA luôn khẳng định xây dựng nhà xưởng A6 đúng quy hoạch nhưng căn cứ vào Bản đồ quy hoạch được phê duyệt năm 2016 thể hiện vị trí số 7 trong Bản đồ là nhà xưởng số 4 chính là A5 cho Công ty OC thuê. Xung quanh bên cạnh nhà xưởng số 4 tức A5 không có nhà xưởng nào liền kề. Thực tế tại Biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả tại thời điểm cháy nhà xưởng số 4 (A5) của công ty OC và nhà xưởng A6 có chung 01 bức tường xây lửng dẫn đến cháy lan sang nhà xưởng A6 của công ty VH; việc hai xưởng liền kề chung nhau 1 bức tường 10 xây lửng, phía trên là tôn đã được các đương sự thừa nhận phù hợp với bản ảnh Công ty VH giao nộp. Theo quy hoạch trong bản đồ thì tại vị trí nhà xưởng A6 là bãi chứa nguyên liệu được đánh số 17 (không phải nhà xưởng). Do nhà xưởng A6 không được cấp phép xây dựng và xây dựng không đúng quy hoạch phê duyệt nên việc nhà xưởng số 4 (A5) của Công ty OC cháy đã lan sang nhà xưởng liền kề A6 của Công ty VH và thiệt hại xẩy ra có một phần lỗi của Công ty HA. Người đại điện của Công ty HA cho rằng Công ty VH có 1 phần lỗi vì xếp hàng hóa sát liền với Công ty OC; điều này càng chứng rỏ rằng nhà xưởng A6 của Công ty VH sát liền kề với nhà xưởng A5 của Công ty OC.
Thứ tư, Xác định, sự kiện cháy tại nhà xưởng thì công ty OC và công ty HA đều có lỗi và đều phải có trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra. Từ các phân tích trên cần đánh giá công ty OC phải chịu trách nhiệm chính đối với thiệt hại là 70%, công ty HA phải chịu trách nhiệm 30% đối với tổng thiệt hại xẩy ra. Căn cứ Điều 587 Bộ luật dân sự quy định: “Trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những người thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây ra thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người”. Tổng thiệt hại của công ty VH là 1.087.437.060đ; Trên cơ sở đánh giá yếu tố lỗi thì Công ty OC phải chịu trách nhiệm bồi thường là 761.205.942đ; Công ty HA chịu trách nhiệm bồi thường là 326.231.118đ;
Xét việc Công ty HA đề nghị được thụ hưởng toàn bộ quyền lợi trong trường hợp Công ty OC phải bồi thường thiệt hại cho Công ty VA vì tại Điều 4 của hợp đồng thuê nhà xưởng ghi (trong trường hợp có tranh chấp thì toàn bộ phần đặt cọc là tài sản của công ty VH chuyển thành tài sản của công ty HA (đây là yêu cầu thứ 10); Công ty VH không đồng ý. Xét thấy: Trong vụ án này giữa công ty HA và công ty VH không có yêu cầu giải quyết về tranh chấp Hợp đồng thuê nhà xưởng và hợp đồng đặt cọc; giữa ba công ty không có thỏa thuận về việc trường hợp công ty OC phải bồi thường thiệt hại cho công ty VH thì công ty HA được thụ hưởng toàn bộ quyền lợi. Mặt khác khoản tiền thiệt hại tài sản do cháy công ty OC phải bồi thường cho công ty VH phát sinh sau khi các bên đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng, không phải là tài sản thuộc đối tượng đã thỏa thuận trong Hợp đồng thuê nhà xưởng và hợp đồng đặt cọc. Do đó, yêu cầu này của Công ty HA không chấp nhận.
Đây là dạng tranh chấp bồi thường thiệt hại mới, dự kiến sẽ xảy ra tương đối nhiều nếu các công ty không chủ động thực hiện việc phòng cháy chữa cháy và mua bảo hiểm phòng cháy thì theo quy định của pháp luật dân sự sẽ phải bồi thường thiệt hại tương đối lớn, thậm chí dẫn đến phá sản, không có khả năng thi hành án được. Vì vậy, thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án trên đã góp phần tuyên truyền phòng chống, hạn chế các vụ việc cháy, nổ xảy ra trên địa bàn góp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
                                                                     Phạm Thị Thùy, Bùi Thị Hậu, Phan Thị Thu Huyền
Phòng 9, VKSND tỉnh Hải Dương
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây