Kháng nghị bảo vệ quyền lợi của người thừa kế được cấp phúc thẩm chấp nhậ

Thứ tư - 09/03/2022 22:00

Kháng nghị bảo vệ quyền lợi của người thừa kế được cấp phúc thẩm chấp nhậ

Thông qua, công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự do Toà án nhân huyện Bình Giang giải quyết đối với vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, giữa nguyên đơn bà Vũ Thị Là và bị đơn ông Vũ Xuân Mùi. Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang thấy Toà án nhân dân huyện Bình Giang có nhưng vi phạm như sau:

Hình ảnh một phiên tòa dân sự

1. Xác định thiếu người được hưởng di sản thừa kế; xác định thiếu di sản thừa kế

- Khi cụ Đang chết, hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đang gồm 7 người: vợ (cụ San) và 06 người con (bà Chung, ông Kiểng, ông Tiêu, ông Mùi, bà Là, bà Na). Phần di sản của cụ Đang sẽ được chia đều cho 07 người này. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ chia phần di sản của cụ Đang cho 04 người (cụ San, ông Mùi, bà Là, bà Na) là không đúng quy định của pháp luật, không bảo đảm quyền lợi của những người còn lại trong hàng thừa kế thứ nhất bà Chung, ông Kiểng, ông Tiêu.

- Năm 1948 cụ Sen chết, di sản thừa kế của cụ Sen là ½ trị giá quyền sử dụng đất, hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của cụ Sen gồm 04 người: cụ Đang, ông Tiêu, ông Kiểng, bà Chung. Như vậy, tài sản của cụ Đang là ½ trị giá quyền sử dụng đất và phần được hưởng thừa kế từ cụ Sen. Sau khi cụ Sen chết, cụ Đang kết hôn với cụ San, theo Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì tài sản của cụ Đang trở thành tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ xác định phần tài sản của cụ Đang trong khối tài sản chung với cụ Sen (½ trị giá quyền sử dụng đất) trở thành tài sản chung của vợ chồng cụ Đang, cụ San là thiếu, dẫn đến thiếu di sản của cụ San.  

2. Xác định công sức của người duy trì, quản lý di sản chưa phù hợp với  thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được hưởng thừa kế

* Đối với việc xác định công sức của cụ San trong việc duy trì, quản lý di sản của cụ Sen và cụ Đang

Sau khi cụ Sen, cụ Đang chết, việc duy trì, quản lý di sản của hai cụ không chỉ có cụ San mà còn có cả những người được hưởng thừa kế khác như ông Mùi, bà Là, ông Điều…Bởi vậy, bản án sơ thẩm tính công sức cho cụ San trong việc duy trì, quản lý di sản của cụ Sen, cụ Đang bằng 1/2 trị giá di sản và nhiều hơn 01 suất thừa kế là không phù hợp thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được hưởng thừa kế.

* Đối với việc xác định công sức của anh Kiểm

Căn cứ tài liệu trong hồ sơ xác định năm 1997 vợ chồng anh Kiểm, chị Từ đã mua 45m3 đất để lấp ao thành vườn tại thửa số 101, tờ bản đồ số 6. Bản án sơ thẩm tính công sức cho vợ chồng anh Kiểm bằng trị giá đất san lấp, không tính công sức anh Kiểm, chị Từ trong việc san lấp, quản lý, duy trì di sản từ năm 1997 đến nay là không bảo đảm quyền lợi của vợ chồng anh Kiểm theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự.

3. Việc giao hiện vật cho đương sự không phù hợp hiện trạng sử dụng đất, không bảo đảm quyền lợi của đương sự  

Năm 2008, do gia đình bà Là thuộc hộ nghèo nên được hỗ trợ xây nhà cấp 4 trên thửa đất số 92, hiện đây là chỗ ở duy nhất của vợ chồng bà và vợ chồng con trai là anh Triệu, chị Sang. Bà Là đề nghị được chia phần đất có nhà mà gia đình bà đang ở, trong nhà có điện thờ. Ông Mùi đề nghị được chia phần đất có ngôi nhà cũ của cụ San mà ông Mùi đang quản lý, trong nhà có bàn thờ tổ tiên, ông Mùi vẫn thường xuyên đi lại hương khói. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại chia cho bà Là phần đất có ngôi nhà của cụ San ông Mùi đang quản lý để thờ cúng; chia cho ông Mùi phần đất có nhà và tài sản của gia đình bà Là đang quản lý sử dụng; buộc ông Mùi phải thanh toán tài sản trên đất cho vợ chồng bà Là 20.678.000 đồng là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, không bảo đảm quyền lợi của bà Là và ông Mùi.

4. Việc tuyên án chưa rõ ràng dẫn đến khó thi hành án

- Thửa đất số 92 diện tích 291,2 m2 là đất ở lâu dài; thửa đất số 101 diện tích 117 m2  gồm 20 m2  đất ở lâu dài, 97 m2 đất trồng cây lâu năm. Khi chia đất cho bà Là, ông Mùi, bản án không tuyên cụ thể chia cho mỗi người diện tích đất tương ứng với mục đích sử dụng đất sẽ gây khó khăn khi bà Là, ông Mùi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

- Đây là vụ án chia thừa kế nhưng phần quyết định của bản án chưa tuyên rõ ràng về di sản chia thừa kế gồm những tài sản nào, trị giá bao nhiêu; công sức duy trì, quản lý, tôn tạo di sản là bao nhiêu; Trị giá di sản còn lại để chia thừa kế là bao nhiêu.

Việc tuyên án chưa rõ ràng là chưa đảm bảo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự về bản án sơ thẩm, chưa thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng mẫu bản án sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Giang đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với các vi phạm nêu trên. Tại cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát tỉnh Hải Dương đã bảo vệ kháng nghị thành công, TAND tỉnh Hải Dương đã xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm theo nội dung kháng nghị, bảo đảm quyền lợi của người được hưởng di sản thừa kế./.

                                                                                        Nguyễn Thị Hoa
VKSND huyện Bình Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây