Kháng nghị vụ án “Bồi thường thiệt hại nài hợp đồng”

Thứ tư - 26/10/2022 03:13

Ngày 12/10/2022, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương đã ban hành Quyết định kháng nghị đối với Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương.  

Đây là vụ án dân sự tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản do sự kiện pháp lý chập cháy điện gây ra giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Orchem Vina, bị đơn là Công ty TNHH Eduen Vina và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Doosan Electro-Materials đều có địa chỉ đặt tại Khu công nghiệp Đại An, phường Tứ Minh, TP Hải Dương.

Qua công tác kiểm sát việc xét xử đối với vụ án, Viện KSND TP Hải Dương nhận thấy Bản án đã có những vi phạm như sau:

- Vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ: Tại Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an xác định: Nguyên nhân cháy do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy. Hồ sơ vụ án không thể hiện nguyên nhân dẫn đến “chập mạch điện” , các công ty Eduen và công ty Doosan có lỗi dẫn đến việc chập mạch điện hay không là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, dẫn đến đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

- Vi phạm trong việc xác định không đúng nguồn nguy hiểm cao độ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sử dụng điện

Bản án nhận định “công ty DooSan là chủ sở hữu hệ thống điện - nguồn nguy hiểm cao độ” là chưa chính xác. Theo quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 Luật điện lực, khoản 24 và khoản 34 Điều 3 Thông tư 25/2016/TT-BCT thì Hệ thống tải điện của công ty Doosan không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Việc công ty Orcherm để máy móc, thiết bị tại nhà xưởng của công ty Doosan bị cháy dẫn đến thiệt hại là sự kiện bất khả kháng và không phải bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự.

-  Vi phạm trong việc xác định nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại

Không có tài liệu thể hiện công ty Doosan đã bàn giao hệ thống điện cho công ty Eduen chiếm hữu, sử dụng; không có căn cứ xác định công ty Eduen và công ty Doosan sử dụng điện trái pháp luật hoặc để người khác chiếm hữu, sử dụng hệ thống điện trái pháp luật. Do đó Bản án tuyên buộc Công ty Eduen và công ty DooSan phải liên đới bồi thường là không có căn cứ, vi phạm khoản 4 Điều 601 Bộ luật dân sự.       

Mặt khác, Bản án không xác định lỗi của các bên nhưng lại quyết định công ty Eduen và công ty DooSan phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho công ty Orchem theo tỷ lệ 70/30 là không có căn cứ, đã vi phạm Điều 587 Bộ luật dân sự quy định về Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra.

- Vi phạm trong việc đánh giá lỗi

Giữa công ty Orcherm và công ty Doosan không có thoả thuận gì về việc công ty Orcherm để máy móc, thiết bị tại nhà xưởng của công ty Doosan.  Ngày 12/4/2021, công ty DooSan đã yêu cầu công ty Orchem di rời thiết bị máy móc ra khỏi nhà xưởng nhưng công ty Orchem chưa thực hiện. Do vậy thiệt hại tài sản do sự kiện cháy xảy ra ngày 25/4/2022 cũng có một phần lỗi của công ty Orcherm nhưng Bản án không xem xét đến lỗi của công ty Orchem là không khách quan, toàn diện, ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty Eduen và công ty DooSan

Bản án trên của Tòa án nhân dân TP Hải Dương đã vi phạm các Điều 108, Điều 244 BLTTDS, do vậy Viện KSND thành phố Hải Dương đã kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, hủy Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

                                                                 Nguyễn Thị Băng Tâm
VKSND TP. Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây