Cưỡng chế chuyển giao tài sản thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế của Cơ quan thi hành án dân sự để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định của Tòa án khi họ có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành.
Trong những năm gần đây, những vụ việc thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất trên đất trên địa bàn huyện Thanh Hà tăng đột biến, nhiều vụ việc mang tính chất phức tạp, đương sự không hợp tác, cũng có trường hợp Chấp hành viên chậm tổ chức cưỡng chế, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, công tác kiểm sát việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất của Viện kiểm sát nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Thông qua hoạt động kiểm sát việc tổ chức thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự huyện, Viện kiểm sát xác định có nhiều việc được phân loại có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, Chi cục thi hành án chưa có biện pháp tổ chức dứt điểm, Kiểm sát viên đã đề xuất phát hành nhiều yêu cầu, kiến nghị cưỡng chế đối với Chi cục thi hành án nhằm giải quyết triệt để các vụ việc này. Khi nhận được giấy mời tham gia vụ cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất cùng Quyết định và kế hoạch cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ việc cần đề xuất Lãnh đạo đơn vị yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ để kiểm sát và báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện cho ý kiến trước khi thực hiện kiểm sát cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Khi được phân công kiểm sát hồ sơ cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, để kiểm sát chặt chẽ hồ sơ thi hành án, Kiểm sát viên cần lưu ý:
Kiểm sát Bản án, Quyết định của Tòa án có đảm bảo đúng pháp luật và thi hành án được không. Kiểm sát các biên bản xác minh, tài liệu có liên quan xem có đủ điều kiện cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất hay chưa. Kiểm sát căn cứ pháp lý của Quyết định cưỡng chế, chuyển giao quyền sử dụng đất có được cưỡng chế theo quy định không.
Kiểm sát nội dung Kế hoạch cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất để biết được thái độ người phải thi hành án, cần chú ý phần này để xác định vụ việc có mang tính chất phức tạp hay không, trao đổi với Chấp hành viên dự kiến các tình huống có thể xảy ra để chủ động có biện pháp xử lý. Kiểm sát kế hoạch để đảm bảo đúng quy định pháp luật, thành phần mời tham gia có đủ, đúng theo quy định không. Tùy theo từng loại tài sản, cưỡng chế để có thành phần cơ quan chuyên môn được mời tham gia cho đảm bảo, nên Kiểm sát viên cần nắm được nội dung này để kịp thời có ý kiến với Chấp hành viên.
Kiểm tra Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất để xác định tài sản chung hay riêng, có phải tài sản hộ gia đình hay không. Nếu tài sản thuộc sở hữu của hai vợ chồng (mà người phải thi hành án chỉ là 1 người) hoặc tài sản hộ gia đình (người phải thi hành án là 1 hoặc 1 số thành viên trong hộ) Chấp hành viên phải thực hiện việc thông báo thỏa thuận phân chia tài sản hoặc khởi kiện ra Tòa để được giải quyết, việc thông báo phải đảm bảo đúng thời gian quy định.
Đối với tài sản phải chuyển giao quyền sử dụng đất là Quyền sử dụng đất đang thế chấp vay vốn tại Ngân hàng, ngoài việc kiểm tra kỹ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cần phải kiểm tra nội dung hợp đồng thế chấp, tránh trường hợp cưỡng chế tài sản nằm trong Hợp đồng thế chấp.
Kiểm sát các tài liệu kèm theo để xác định tài sản cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất không có tranh chấp. Nếu có tranh chấp thì phải có tài liệu thể hiện việc Chấp hành viên thông báo cho đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khởi kiện tài Tòa án.
Khi trực tiếp tham gia kiểm sát các vụ cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính đầy đủ, có căn cứ pháp lý của các thành phần tham gia Hội đồng cưỡng chế, các đương sự phải tham gia buổi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Nếu có đương sự nào vắng mặt thì phải yêu cầu Chấp hành viên xác định rõ đương sự vắng mặt đã được tống đạt hợp lệ hay chưa? Nếu đã hợp lệ phải ghi rõ vào biên bản. Khi kiểm sát cần chú ý việc Hội đồng cưỡng chế có tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế để lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được cưỡng chế, tài sản trên đất được tuyên trong bản án hay phát sinh sau khi có Bản án; tránh trường hợp khi cưỡng chế chỉ ghi các thông số theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc lập biên bản không ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được chuyển giao; cưỡng chế không đúng theo hiện trạng đất và tài sản gắn liền với đất; Kiểm sát viên cần nhạy bén, linh hoạt, quan sát, nắm được các diễn biến xảy ra, mỗi việc phát sinh đều phải cân nhắc, đối chiếu với quy định của pháp luật để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, các thao tác của từng bộ phận chuyên môn tham gia phối hợp của Hội đồng cưỡng chế có đúng quy định hay không. Kiểm sát viên phải nắm kỹ các quy định đối với quá trình tiến hành cưỡng chế, chuyển giao quyền sử dụng đất, hình thành kỹ năng cơ bản, khi phát hiện vi phạm trong quá trình tiến hành cưỡng chế tài sản tài sản thi hành án, phải yêu cầu Chấp hành viên- chủ trì buổi cưỡng chế dừng buổi cưỡng chế để xác minh hoặc chờ xử lý sau. Hoặc những trường hợp, tại buổi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất phát sinh những tình huống nằm ngoài dự liệu mà không thể xử lý được, hoặc việc xử lý có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo thì trao đổi với Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế tạm dừng buổi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và báo cáo Lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo.
Việc tổng hợp các nội dung đưa vào biên bản cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất đã đúng và đầy đủ chưa, nếu chưa đúng, chưa đầy đủ thì phải có ý kiến, yêu cầu Chấp hành vien chủ trì buổi cưỡng chế phải bổ sung đầy đủ. Sau khi nội dung được thông qua, những người tham gia không ai có ý kiến gì thì yêu cầu thư ký chốt biên bản, trước khi ký biên bản, Kiểm sát viên phải ký nháy vào từng trang biên bản để tránh trường hợp bổ sung thêm những nội dung khác vào biên bản đã được thông qua.
Hình ảnh Kiểm sát viên kiểm sát cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
Trong năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà đã kiểm sát được 05 vụ cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, các vụ việc cưỡng chế đều được báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện trước khi tổ chức cưỡng chế. Việc tổ chức cưỡng chế được thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định, diễn ra công khai, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người làm chứng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước.
Thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản, sẽ kịp thời phát hiện những vi phạm trong công tác tổ chức thi hành án, góp phần đáng kể trong việc bảo về quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nâng cao uy tín, lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật./.