Bình Giang: kháng nghị bản án tranh chấp chia di sản thừa kế

Thứ hai - 19/10/2020 04:41

Bình Giang: kháng nghị bản án tranh chấp chia di sản thừa kế

Ngày 12/10/2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã ban hành kháng nghị đối với bản án dân sự số 03/2020/DSST ngày 27/9/2020  của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang trong dân sự “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa

Nguyên đơn: Bà Vũ Thị Là, sinh năm 1955;

Địa chỉ: thôn Phụng Viện, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Bị đơn: Ông Vũ Xuân Mùi, sinh năm 1949;

Địa chỉ: Tổ 40, Khu 4, phường Hà Khẩu, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 27/9/2020, Tòa án nhân dân huyện Bình Giang đã ra Bản án dân sự số 03/2020/DSST “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Qua kiểm sát Bản ánViện kiểm sát phát hiện án có một số vi phạm sau:


Phiên tòa vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế

1. Xác định thiếu người được hưởng di sản thừa kế

Bản án sơ thẩm xác định cụ Đang được thừa kế 1/2 di sản của cụ Sen trị giá là 18.200.000 đồng.  

Bản án sơ thẩm nhận định:“Sau khi cụ Đang chết, phần của cụ Đang thừa kế từ cụ Sen, chuyển tiếp lại cho cụ San, ông Mùi, bà Là, bà Na (vì bố, mẹ đẻ của cụ Đang đều chết trước cụ Đang từ lâu), mỗi suất thừa kế hưởng như nhau”. Trên cơ sở nhận định này, bản án sơ thẩm xác định phần di sản cụ Đang thừa kế từ cụ Sen sẽ chia đều cho 04 người là cụ San, ông Mùi, bà Là, bà Na, mỗi người = 18.200.000 đồng : 4 = 4.550.000 đồng. 

Khi cụ Đang chết, hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đang gồm 7 người: vợ (cụ San) và 06 người con (bà Chung, ông Kiểng, ông Tiêu, ông Mùi, bà Là, bà Na). Phần di sản của cụ Đang sẽ được chia đều cho 07 người này. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ chia phần di sản của cụ Đang cho 04 người (cụ San, ông Mùi, bà Là, bà Na) như đã nêu trên là không đảm bảo quyền lợi của những người còn lại trong hàng thừa kế thứ nhất (bà Chung, ông Kiểng, ông Tiêu).

2. Chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự

Quá trình giải quyết vụ án, hai em trai của bà Tuyến là ông Duyến, ông Duyện đều trình bày không yêu cầu quyền lợi liên quan đến di sản thừa kế. Ông Duyến ủy quyền cho bà Tuyến tham gia tố tụng và có quan điểm cho bà Tuyến toàn bộ di sản mà ông được hưởng. Do vậy, bản án sơ thẩm quyết định chấp nhận sự tự nguyện của ông Duyến nhường quyền hưởng di sản cho bà Tuyến là có căn cứ. Đối với ông Duyện, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu thể hiện việc ông Duyện ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Tuyến nên tại phiên tòa bà Tuyến trình bày ông Duyện cho bà Tuyến phần di sản được hưởng là không có căn cứ. Mặt khác, Tòa án chưa thu thập tài liệu để làm rõ quan điểm của ông Duyện về việc định đoạt đối với phần di sản được hưởng (ông Duyện có cho bà Tuyến không?) nhưng đã quyết định cho bà Tuyến hưởng toàn bộ phần di sản ông Duyện được hưởng là không đảm bảo quyền tự định đoạt tài sản của ông Duyện, vi phạm Điều 194 Bộ luật dân sự.  

3. Bản án sơ thẩm xác định công sức của người quản lý, tôn tạo di sản chưa đảm bảo quyền lợi của các đương sự

* Đối với việc xác định công sức của ông Kiểm

Theo lời khai của ông Kiểm và của người làm chứng là ông Vũ Đình Lân thì năm 1997 ông Kiểm mua 45 m3 đất để lấp ao thành vườn tại thửa số 101, giá là 50.000 đồng/ 01m3, giá hiện nay là 100.000 đồng/01m3. Do đó, bản án đã buộc ông Mùi phải thanh toán cho ông Kiểm 4.500.000 đồng chi phí mua đất để san lấp ao là có căn cứ. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án  Tòa án không hỏi rõ quan điểm của ông Kiểm đối công san lấp, quản lý di sản là thửa đất 101 từ năm 1997 đến nay (khoảng 23 năm), Tòa án không xem xét đến công san lấp và quản lý di sản của ông Kiểm là không đảm bảo quyền lợi của ông Kiểm theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự.

* Đối với việc xác định công sức của cụ San trong việc quản lý di sản của cụ Sen và cụ Đang

Bản án nhận định cụ San có công sức duy trì, quản lý di sản của cụ Sen trong thời gian gần 70 năm và công sức duy trì, quản lý di sản của cụ Đang trong thời gian là 30 năm. Từ nhận định này, bản án sơ thẩm tính công sức duy trì, quản lý di sản cho cụ San bằng 1/2 trị giá di sản của cụ Sen và cụ Đang. Xem xét về trị giá di sản và thời gian quản lý di sản thì thấy: di sản của cụ Sen nhiều hơn di sản của cụ Đang, thời gian cụ San quản lý di sản của cụ Sen gấp hơn 2 lần thời gian cụ San quản lý di sản của cụ Đang, do vậy bản án tính công sức cho cụ San trong việc duy trì, quản lý di sản của cụ Sen, cụ Đang với tỷ lệ đều bằng 1/2 trị giá di sản và nhiều hơn 01 suất thừa kế là không phù hợp thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được hưởng thừa kế.

4. Việc giao hiện vật cho đương sự không phù hợp hiện trạng sử dụng đất, không đảm bảo quyền lợi của đương sự

Khoảng năm 2008, do gia đình bà Là thuộc hộ nghèo nên được hỗ trợ xây nhà cấp 4 trên thửa đất số 92, hiện đây là chỗ ở duy nhất của vợ chồng bà và vợ chồng con trai là anh Triệu, chị Sang. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Là đề nghị được hưởng hiện vật là phần đất giáp đất ông Kiểm vì có nhà gia đình bà đang ở, trong nhà có điện thờ. Quá trình chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa, ông Mùi đề nghị được hưởng phần đất giáp đất ông Khuê vì ở đó có ngôi nhà cũ của cụ San ông Mùi đang quản lý (hiện ngôi nhà không còn giá trị), trong đó đã có bàn thờ tổ tiên, ông Mùi vẫn thường xuyên đi lại hương khói . Ông Mùi có nguyện vọng được chia đất để xây nhà thờ làm nơi họp mặt con cháu. Bà Tuyến, ông Tiêu, ông Kiểm nhất trí quan điểm của ông Mùi và cho ông Mùi phần di sản thừa kế mà họ được hưởng để xây nhà thờ. Tuy nhiên, Bản án quyết định giao cho bà Là được quyền sử dụng 97m2 đất giáp ông Khuê (trên đất có ngôi nhà của cụ San do ông Mùi đang quản lý để thờ cúng); giao cho ông Mùi được quyền sử dụng 194,2 m2 (trên đất có ngôi nhà và tài sản của gia đình bà Là đang quản lý sử dụng); buộc ông Mùi phải thanh toán cho vợ chồng bà Là, ông Điều 20.678.000 đồng tiền tài sản trên đất là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, không đảm bảo quyền lợi của bà Là và ông Mùi.

5. Việc tuyên án chưa rõ ràng dẫn đến khó thi hành án

Thửa đất số 92 diện tích 291,2 m2 là đất ở lâu dài, thửa đất số 101 diện tích 117 m2  gồm 20 m2  đất ở lâu dài, 97 m2 đất trồng cây lâu năm. Khi chia đất cho bà Là, ông Mùi, bản án không tuyên cụ thể chia cho mỗi người diện tích đất tương ứng với mục đích sử dụng đất sẽ gây khó khăn khi bà Là, ông Mùi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Lẽ ra bản án phải tuyên cụ thể: chia cho bà Là 97 m2 đất ở tại thửa 92 và 117 m2 đất tại thửa 101 (gồm 20 m2 đất ở, 97 m2 đất trồng cây lâu năm); chia cho ông Mùi 194,2 m2 đất ở tại thửa 92.

6. Đây là vụ án chia thừa kế nhưng phần quyết định của bản án chưa tuyên rõ ràng về di sản chia thừa kế gồm những tài sản nào, trị giá bao nhiêu; công sức duy trì, quản lý, tôn tạo di sản là bao nhiêu; Trị giá di sản còn lại để chia thừa kế là bao nhiêu.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã phát hành kháng nghị số 03 /QĐKNPT ngày 12/10/2020 đối với Bản án Dân sự số 03/2020/DS-ST ngày 27/9/2020. Để Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án sơ thẩm dân sự số 03/2020/DS-ST ngày 27/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

                                                                                                                         

Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây