Thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong 02 ngày 09- 10/4/2025, Viện KSND thành phố Hải Dương đã phối hợp với Toà án nhân dân thành phố Hải Dương tổ chức xét xử 04 vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến đối với các bị cáo Trần Tiến Mạnh về tội Mua bán trái phép chất ma tuý, quy định tại khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự; bị cáo Nguyễn Trung Kiên về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự; bị cáo Đào Công Hậu phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự; bị cáo Đỗ Kỳ Anh về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự.
Các vụ án nêu trên là những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, tuân thủ các quy định chung về an toàn thông tin, quản lý dữ liệu, đảm bảo các điều kiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Ảnh: Phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND TP. Hải Dương
Điểm cầu trung tâm tại Hội trường xét xử trụ sở Toà án nhân dân TP. Hải Dương sự tham gia của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án, người làm chứng- nếu có.
Điểm cầu thành phần đặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh hải Dương có sự tham gia của bị cáo, người hỗ trợ bảo vệ phiên toà, thư ký Toà án, Kiểm sát viên, cán bộ Trại tạm giam và lực lượng Cảnh sát bảo vệ
Ảnh: Phiên tòa trực tuyến diễn ra đúng trình tự, thủ tục phap luật
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, diễn biến phiên tòa, việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng khác. Kiểm sát viên đã công bố cáo trạng, tham gia xét hỏi để làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo. Trên cơ sở đó, đề nghị Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt đối với từng bị cáo, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Việc xét xử đảm bảo chất lượng, an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, giảm thiểu chi phí, thời gian. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu, xu hướng tất yếu của nhiệm vụ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Nguyễn Phương Thảo- Viện KSND TP. Hải Dương