Những vướng mắc về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thứ hai - 14/02/2022 21:19

Thủ tục rút gọn là một thủ tục tố tụng một thủ tục tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự có sự rút ngắn về thời gian, giản lược về thủ tục, áp dụng đối với những vụ án hình sự đủ điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, nhưng vẫn đảm bảo đúng đắn, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, đảm bảo được quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan.

Những quy định về thủ tục rút gọn là những căn cứ quan trọng mang nhiều ý nghĩa lớn trong quá trình tiến hành tố tụng. Thứ nhất, việc tiến hành thủ tục rút gọn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch của người phạm tội rõ ràng. Thứ hai, việc tiến hành thủ tục rút gọn còn giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung giải quyết những vụ án phức tạp hơn, nghiêm trọng và đẩy nhanh được tốc độ xử lý vụ án của toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và việc vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thời hạn giải quyết vụ án hình sự. Thứ ba, việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tạo điều kiện để những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhanh chóng được khắc phục, góp phần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thứ tư, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự, mở rộng quyền của những người tham gia tố tụng. Những vụ án ít nghiêm trọng, ít phức tạp được giải quyết nhanh chóng theo thủ tục rút gọn quy định tạo điều kiện để người dân yên tâm tham gia vào các quan hệ kinh tế xã hội khác mà không bị ràng buộc bởi các quan hệ tố tụng hình sự. Thứ năm, việc áp dụng thủ tục rút gọn đáp ứng được yêu cầu của nhân dân là xử lý kịp thời, nhanh chóng các hành vi phạm tội và người phạm tội, qua đó phát huy tác dụng giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm.

Về mặt lý luận, có thể nhận thấy rằng thủ tục rút gọn đã mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể giải quyết nhanh gọn các vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, nơi cư trú và lý lịch rõ ràng cũng như sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo được tính chính xác trong từng vụ án cũng như đảm bảo được các nguyên tắc của BLTTHS Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn áp dụng, chế định này được áp dụng rất “khiêm tốn”, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các vụ án hình sự được thụ lý giải quyết. Điều này một phần được lý giải là do vẫn còn nhiều bất cập trong các quy định của thủ tục rút gọn trong BLTTHS. Các vướng mắc, phát sinh có thể kể tới như sau:

Thứ nhất, quy định của BLTTHS 2015 về thủ tục rút gọn còn tương đối chung chung, chưa rõ ràng, bất hợp lí như: Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn còn hẹp, nên nhiều vụ án xảy ra trên thực tế có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết nhưng luật pháp không cho phép nên vẫn phải giải quyết theo thủ tục chung. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn từ giai đoạn điều tra là chưa hợp lý. Thời hạn tố tụng rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường nhưng thủ tục rút gọn lại giản lược không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra.

Thứ hai, nhiều vấn đề trong thủ tục rút gọn còn bị “bỏ ngỏ”,  gây khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng như: căn cứ giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, các thức giải quyết khiếu nại, hậu quả của việc giải quyết khiếu nại, vụ án mà người thục hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi thì thủ tục chỉ định, đăng ký người bào chữa phải được thực hiện trước khi khởi tố vụ án hay không.

Thứ ba, còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan liên ngành tư pháp về việc áp dụng thủ tục rút gọn. Theo đó, thủ tục rút gọn đã được thi hành một khoảng thời gian tương đối dài, tuy nhiên vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn thống nhất nào về việc tổ chức áp dụng thủ tục rút gọn, dẫn đến việc áp dụng thủ tục này chưa đồng bộ và thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục trên.

Thứ tư, còn thiếu quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn. Sự phối hợp là yếu tố cần thiết  đảm để bảo áp dụng thủ tục rút gọn một các nhanh chóng nhưng vẫn giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, để đảm bảo được các nguyên tắc của BLTTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa các trường hợ phải chuyển từ việc áp dụng thủ tục rút gọn sang giải quyết thủ tục chung xuất phát từ việc thiếu sự thiếu phối hợp giữa 3 cơ quan, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một quy chế riêng thống nhất về vấn đề này. Điều này dẫn đến thực trạng áp dụng chưa được hiệu quả.

Do vậy, tôi đề xuất hoàn thiện một số quy định về thủ tục rút gọn như sau:

Thứ nhất, bổ sung thêm điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn với người đầu thú: Sửa điểm a khoản 1 Điều 456 BLTTHS thành “Người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó đầu thú, tự thú”. Bổ sung đối tượng là người đầu thú vào luật, để áp dụng thủ tục rút gọn cho những trường hợp, người phạm tội đầu thú và đáp ứng đủ các điều kiện còn lại của Điều 456 BLTTHS. Thực tế cho thấy, có khá nhiều trường hợp đối tượng phạm tội ra đầu thú và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Điều 456 BLTTHS, nhưng lại không giải quyết vụ án theo hướng rút gọn được vì không đủ điều kiện của điểm a khoản 1 Điều 456 BLTTHS.

Thứ hai, về quy định điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn là tội phạm phải là tội phạm ít nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, có những tội phạm ít nghiêm trọng nhưng có rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hơn là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ngược lại, có những vụ án nghiêm trọng nhưng có sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội rõ ràng, lý lịch đầy đủ được xác định nhanh chóng, người thực hiện hành vi phạm tội nhận tội và có thái độ thành khẩn hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng lại không được áp dụng TTRG. Điều kiện trên đang có sự bó hẹp điều kiện áp dụng TTRG. Do vậy, đề xuất nghiên cứu thêm và sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 theo hướng hợp lý nhất, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc của cơ quan tiến hành tố tụng cũng như của các chủ thể khác tham gia tố tụng.

Thứ ba, cần có quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết án rút gọn, trong đó quy định chi tiết, cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện và thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn. Cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của tưng ngành về các hoạt động cụ thể trong điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút  gọn, nhằm thay đổi cả về nhận thức và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện, không được né tránh, áp dụng tùy nghi.

Như vậy, có thể nói quy định về thủ tục trong tố tụng hình sự đã được hoàn thiện khá hoàn chỉnh, cho phép các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giải quyết nhanh chóng các vụ án hình sự khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của các chủ thể áp dụng pháp luật cũng như các chủ thể tham gia tố tụng liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện thủ tục vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần có sự vào cuộc của các chuyên gia, của những cơ quan, tổ chức trực tiếp tiến hành thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định về thủ tục rút gọn nói riêng, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nói chung.

                                                                                        Phạm Thị Thuỳ – phòng 9
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây