Tham dự Hội thảo khoa học cấp tỉnh về Nâng cao hiệu quả giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và tình trạng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, góp phần kéo giảm bền vững tội phạm về TTXH trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Công an tỉnh Hải Dương chủ trì tổ chức với nội dung trên, đ/c Nguyễn Hoàng Dương, Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương đã có ý kiến phát biểu về một số giải pháp nâng cao công tác này, đó là:
1. Về thực trạng người dưới 18 tuổi phạm tội trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt cao nhất không qúa 18 năm tù. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phải bảo đảm tốt nhất lợi ích cho người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi cũng có những quy định đặc biệt, đặc thù. Tại tỉnh Hải Dương đã thành lập Toà án gia đình và người chưa thành niên là một bước thay đổi rất lớn về quá trình tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Các chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội như vậy là phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em, người chưa thành niên.
Thông qua công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương nhận thấy: Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hải Dương tình hình vi phạm, tội phạm diễn biến phức tạp, trong đó có tình trạng người dưới 18 tuổi tụ tập thành nhóm, điều khiển xe mô tô dung tích trên 50cc, khi chưa đủ điều kiện, đi thành đoàn trên các tuyến giao thông (quốc lộ, đường, phố...), đua xe, rú ga, bấm còi, lạng lách đánh võng; mang theo và dùng hung khí (gạch, vỏ chai, gậy, dao, kiếm...) vô cớ gây sự, hành hung những người đi đường hoặc những nhóm đi xe mô tô tương tự hoặc đi tìm những người có mâu thuẫn (trước đó) để hành hung, tấn công, có chiều hướng gia tăng, gây mất trật tự an toàn xã hội, đã xảy ra nhiều vụ án gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản và giết người liên quan đến hành vi nêu trên.
Trong 3 năm (2022, 2023, 2024), trên địa bàn toàn tỉnh số người dưới 18 tuổi phạm tội bị khởi tố điều tra là 505 bị can/ 6.577 bị can, chiếm 7,68%, trong đó: Năm 2022 là 168 bị can, chiếm 7,61%; năm 2023 là 230 bị can, chiếm 9,48% và 11 tháng của năm 2024 là 107 bị can, chiếm 5,51%. Trong đó số bị can phạm tội gây rối trật tự công cộng chiếm tỷ lệ nhiều nhất 296 bị can = 58,6%; có 15 bị can phạm tội giết người, 31 bị can phạm tội Cố ý gây thương tích, 10 bị can phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 09 bị can phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, 68 bị can phạm các tội về xâm phạm sở hữu như Cuớp tài sản, Cướp giật tài sản, Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; 42 bị can phạm các tội về ma túy, số bị can còn lại phạm các tội như Đánh bạc, Làm nhục, Buôn bán vận chuyển ang cấm, Chống người thi hành công vụ. Số bị can phạm tội về trật tự xã hội chiếm tỉ lệ cao 72%; xâm phạm sở hữu chiếm 16,7%; về ma tuý chiếm 11,3%.
Tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện nêu trên, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội; gây nhiều hậu quả lớn cho gia đình, xã hội, gây hoang mang lo lắng cho người dân ngày càng có chiều hướng gia ang. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có các giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện.
2. Về nguyên nhân của tình hình phạm tội
Hành vi của một con người phản ánh nhân cách của con người đó, nhân cách của một người được xây dựng trên ba nền tảng giáo dục đó là gia đình, nhà trường và xã hội, và đây cũng là ba nguyên nhân chính của tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi gây lên.
Về môi trường gia đình: Hầu hết những người dưới 18 tuổi phạm tội thường có gia đình hoàn cảnh đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, bố mẹ thường xuyên cãi vã, bạo lực; bố mẹ đi làm ăn xa, quản lý con cái không chặt chẽ phó mặc cho nhà trường, thầy cô giáo. Bố mẹ không có sự gương mẫu để giáo dục con cái như nghiện ngập, chửi bới, nói bậy, vi phạm pháp luật.
Về môi trường nhà trường: Hầu hết những người dưới 18 tuổi phạm tội đều là những học sinh cá biệt, năng lực học tập, nhận thức hạn chế. Mặt khác việc giáo dục chưa chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh mà còn nặng về giáo dục kiến thức.
Về môi trường xã hội: Đây là môi trường hiện nay có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi xử sự của trẻ dưới 18 tuổi. Đó là sự ảnh hưởng của mặt trái sự phát triển kinh tế thị trường và khoa học công nghệ. Đó là sự thiếu quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan, tổ chức xã hội và chính quyền địa phương. Đó là sự tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao, là việc quản lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đối với các đối tượng này chưa chặt chẽ, việc xử lý chưa có tác dụng răn đe cảnh tỉnh.
3. Một số giải pháp
Để nâng cao hiệu quả giải quyết tình trạng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, cần triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:
Giải pháp về áp dụng pháp luật
Việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phải được vận dụng, thực hiện một cách nhiêm túc, đầy đủ để bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi. Cần phải xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người dưới 18 tuổi phạm tội như: Công tác cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp và các chính sách để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa để trở thành công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trách nhiệm với công tác trẻ em, am hiểu tâm sinh lý trẻ em để kết hợp giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo tâm lý được bảo vệ, che chở, giúp đỡ khi trẻ mắc phải sai lầm.
Giải pháp về tuyên truyền pháp luật
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Ngoài ra, cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với hành vi phạm tội do người dưới 18 tuổi thực hiện, qua đó để tuyên truyền, răn đe với các đối tượng có ý định phạm tội, khiến họ ý thức được sự trừng trị của pháp luật, loại trừ tư tưởng manh nha vi phạm pháp luật, hiểu được nội dung của tội phạm, kiểm chế các nhu cầu lệch chuẩn.
Giải pháp về giáo dục, nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường
Đề cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội, nâng cao vị trí vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em. Tăng cường hoạt động phối hợp của cha mẹ học sinh với nhà trường để quản lý, giáo dục, rèn luyện giúp thanh thiếu niên học tập tốt tránh xa các tệ nạn xã hội. Tổ chức triển khai thường xuyên và các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng học sinh, học viên; chú trọng nâng cao hiệu quả môn học giáo dục công dân; Có biện pháp phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản HCM trong nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh cho các em học sinh, học viên; đưa các nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật sát thực tế vào các tiết học giờ học; quản lý nắm thông tin học sinh có biểu hiện tụ tập đi xe theo nhóm để tuyên truyền giáo dục; làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ gia đình và nhà trường để giáo dục phòng ngừa.
Tăng cường các biện pháp quản lý trên không gian mạng
Trẻ em là đối tượng còn thiếu kỹ năng sống, thiếu nhận thức để có thể lựa chọn cho mình những kiến thức, nguồn tin lành mạnh. Việc trẻ em tiếp cận những thông tin trên không gian mạng cần phải được quản lý chặt chẽ của gia đình và nhà trường. Nhà nước cũng cần phải ban hành và thực hiện các quy định của pháp luật để quả lý chặt chẽ các nhà mạng, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, phát triển và hình thành nhân cách trẻ em./.
BAN BIÊN TẬP