Phòng 9 –VKSND tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm về việc nhận định, đánh giá việc Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ và quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

Thứ sáu - 09/06/2023 06:06

Ngày 23/5/2023, thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với 03 vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đều cùng nguyên đơn là bà Trần Thị Nhì, sinh năm 1965 và 03 bị đơn là ông Phùng Văn Luận sinh 1957, bà Trần Thị Nõn, sinh năm 1950, ông Phùng Văn Khải, sinh năm 1962, đều cùng địa chỉ KDC An Lăng, An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương do Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn kiểm sát và tham gia phiên tòa sơ thẩm. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương nhận thấy Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn nhận định, đánh giá việc Tòa án, thu thập tài liệu, chứng cứ và  quan điểm giải quyết cả 03 vụ án chưa đúng theo quy định của pháp luật, điển hình vụ án:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị Nhì, sinh năm 1965; Nơi ĐKHKTT: KDC An Lăng, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; hiện ở: Tổ 9, Ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Bị đơn: Ông Phùng Văn Luận, sinh năm 1957 và bà Nguyễn Thị Yên (Duyên), sinh năm 1960; đều địa chỉ: KDC An Lăng, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Nội dung vụ án:

Nguyên đơn bà Trần Thị Nhì trình bày: Năm 1993 hộ gia đình bà Nhì có 04 nhân khẩu được Nhà nước giao đất nông nghiệp để canh tác tại KDC An Lăng, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, mỗi suất được giao 504m2, 04 suất = 2.016m2. Trong đó, có 02 sào nay thuộc xứ đồng Đống Gai tại KDC An Lăng, phường An Phụ. Năm 1998, do gia đình đi làm ăn kinh tế trong miền Nam, không còn nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, các con ông bà còn nhỏ nên ông bà đã thống nhất để cho hộ gia đình ông Phùng Văn Luận và bà Nguyễn Thị Yên cùng thôn mượn cấy 02 sào đất nông nghiệp có nhận tiền, thời hạn 5 năm (từ năm 1998 đến năm 2003). Năm 2003, bà về gặp ông Luận, bà Yên bảo ông Luận, bà Yên trả lại bà 02 sào đất này và nói để ông Luận, bà Yên tiếp tục sử dụng vì bà vẫn ở trong miền Nam làm ăn, lúc đó khó khăn về kinh tế nên bà để cho ông Luận, bà Yên mượn ruộng và yêu cầu ông Luận, bà Yên đưa cho bà 1.000.000 đồng/sào khi nào bà về, ông Luận, bà Yên phải trả ruộng bà thì bà sẽ trả 2.000.000 đồng, các khoản phải đóng góp với nhà nước để cấy 02 sào ruộng do ông Luận, bà Yên chịu. Ông Luận, bà Yên đồng ý, hai bên thỏa thuận không lập thành văn bản, cũng không qua chính quyền làm thủ tục. Sau khi nhận đất ông Luận, bà Yên phải đến trưởng xóm để báo là cấy đất của ai để trưởng xóm căn cứ vào đó thu thuế. Bà đã nhận đủ tiền 2.000.000 đồng, ông Luận, bà Yên tiếp tục nhận ruộng để canh tác. Năm 2016 và 2019 bà gặp ông Luận, bà Yên để đòi 02 sào đất nông nghiệp, nhưng ông Luận, bà Yên không trả. Nay bà đề nghị Toà án buộc ông Luận và bà Yên trả lại gia đình bà diện tích 02 sào đất nông nghiệp nêu trên.

Bị đơn ông Phùng Văn Luận, bà Nguyễn Thị Yên trình bày: Gia đình ông bà không thuê, không mượn đất của nhà bà Nhì. Ông bà đã mua đất của bà Nhì, diện tích 02 sào đất nông nghiệp. Năm 2003 Nhà nước thực hiện việc dồn ô đổi thửa nên đã thu GCNQSD đất nông nghiệp của các hộ dân, không còn xác định được vị trí đất của ai ở đâu. Khi đó bà Nhì chuẩn bị lại đi miền Nam, bảo vợ chồng ông mua, gia đình ông nhất trí mua, giá thỏa thuận là 1.000.000 đồng/sào, bán không có thời hạn đến năm nào, giữa ông bà và bà Nhì chỉ thỏa thuận miệng. Sau đó ông đến Tiểu ban dồn điền đổi thửa của xóm kiểm tra, ông được Tiểu ban thông báo bà Nhì chuyển quyền sử dụng 02 sào đất nông nghiệp cho gia đình ông. Ông nhận tích kê thống kê nhân khẩu, diện tích đất của Tiểu ban trong đó đã có 02 sào đất mà bà Nhì chuyển nhượng cho gia đình ông. Ông đã nhận đầy đủ đất từ bà Nhì chuyển nhượng, ông mới đem tiền đến nhà bà Nhì để thanh toán, tổng là hai triệu đồng, bà Nhì đã nhận đủ. Khi giao nhận tiền hai bên cũng không viết giấy tờ. Nay bà Nhì yêu cầu buộc vợ chồng ông trả lại 02 sào đất nêu trên, ông, bà không chấp nhận.

Tiến hành xác minh thu thập tài liệu chính quyền địa phương xác định: Vị trí phần đất nông nghiệp của hộ ông Luận và bà Yên qua 2 lần dồn điền đổi thửa, đất tiêu chuẩn của các hộ dân và đất đã mua của người khác trộn vào nhau, không còn ở vị trí cũ nữa. Đến nay địa phương không xác định được vị trí đất mà các hộ dân nêu trên đang sử dụng vì không có sơ đồ giải thửa. Khi thực hiện các lần dồn điền đổi thửa đến nay toàn bộ diện tích đất canh tác trên toàn phường chưa được đo vẽ thành lập lại bản đồ địa chính đất nông nghiệp canh tác. Hệ thống bản đồ cũ không còn sử dụng được để xác định số tờ bản đồ, số thửa đất. Từ sau khi dồn ô đổi thửa đến nay chưa đo đạc lại nên không có bản đồ dải thửa, chưa có số lô, số thửa.    

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã nhiều lần tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ nhưng không thể tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ được, vì địa phương cho rằng, sau dồn điền đổi thửa, vị trí đất trước đây không còn ở vị trí cũ, chưa có sơ đồ giải thửa nên không xác định được vị trí đất liên quan đến tranh chấp.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên xác định việc thu thập chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án chưa đầy đủ: Tòa án chưa xác định được diện tích đất đang tranh chấp ở tại vị trí nào; chưa tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định vị trí, kích thước, tứ cận diện tích đất nông nghiệp đang tranh chấp; chưa lấy lời khai những hộ có diện tích đất nông nghiệp giáp ranh với hộ ông Luận, bà Yên tại thửa đất đang tranh chấp để xác định các hộ này có tranh chấp đất nông nghiệp với hộ ông Luận, bà Yên hay không. Việc thu thập chứng cứ của Thẩm phán còn thiếu sót có thể dẫn tới đường lối giải quyết vụ án chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Căn cứ khoản 2 Điều 259 BLTTDS đề nghị HĐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Bài phát biểu số 91/PB-VKS-DS ngày 23/11/2022).

 Tại Bản án số 35/2022/DS-ST ngày 25/11/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn nhận định: Tòa án ra quyết định thẩm định tại chỗ 3 lần không thể tiến hành thẩm định được. HĐXX đã xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên việc có xem xét thẩm định tại chỗ được hay không, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Do đó HĐXX không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn. Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39; Điều 147, 157, 165; 227, 228, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 3, Điều 20, Điều 30 Luật Đất đai năm 1993; khoản 1 Điều 126; khoản 1 Điều 128; khoản 3 Điều 210 Luật Đất đai năm 2013; Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính Phủ; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Nhì về việc yêu cầu buộc ông Phùng Văn Luận và bà Nguyễn Thị Yên trả lại gia đình bà 02 sào đất nông nghiệp tại cánh đồng Đống Gai, thuộc khu An Lăng, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Nguyên đơn bà Trần Thị Nhì kháng cáo toàn bộ bản án số 35/2022/DS-ST ngày 25/11/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn Môn đề nghị Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nhì, buộc ông Luận, bà Yên trả lại cho gia đình bà 02 sào đất nông nghiệp ở cánh đồng Đống Gai, KDC An Lăng, phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Tại cấp phúc thẩm, Tòa phúc thẩm không thu thập tài liệu khác. Ngày 15/5/2023 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tuyên y bản án sơ thẩm số 35/2022/DS-ST ngày 25/11/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn.

Nội dung cần rút kinh nghiệm

- Hồ sơ vụ án thể hiện về thực tế hiện trạng sử dụng đất xác định qua 2 lần dồn ô đổi thửa đất tiêu chuẩn của các hộ dân và đất đã mua của hộ khác đã đổi thửa dồn vào nhau, vị trí đất không như cũ, đến nay không xác định được vị trí đất mà các hộ dân đang sử dụng vì không có sơ đồ giải thửa nên yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn không thể thực hiện được.

- Khoản 2 Điều 259 BLTTDS quy định về việc thời hạn tạm ngừng phiên tòa và giải quyết trong thời hạn tạm ngừng phiên tòa, nhưng Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn lại đề nghị HĐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là không đúng.

Vì vậy, Phòng 9 VKSND tỉnh Hải Dương rút kinh nghiệm chung để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự./.

                                                        Phan Thị Thu Huyền
Phòng 9-VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây