- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, đây là hoạt động kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp. Vai trò là một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người thực thi pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân, chúng ta tích cực tham gia triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với chủ đề năm 2019: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”, gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại huyện Thanh Hà trong những năm qua, cho thấy vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự là rất quan trọng và cần thiết. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự là kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Thông qua các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần đảm bảo việc tổ chức thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật đúng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, quyền lợi ích của nhà nước và của cơ quan, tổ chức khác. Mặt khác, Viện kiểm sát nhân dân còn pháp hiện những vi phạm, tồn tại trong công tác thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên để kịp thời yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị sửa chữa vi phạm. Viện kiểm sát nhân dân cũng thường xuyên theo dõi nhằm đảm bảo những vi phạm, tồn tại của Cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên được sửa chữa khắc phục kịp thời.
Kiểm sát viên tham gia kiểm sát cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất |
Trước hết cần thay đổi nhận thức “công tác kiểm sát thi hành án dân sự là đơn giản, không quan trọng bằng các khâu công tác khác”, mỗi công chức, kiểm sát viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự, để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong ngành kiểm sát. Thực tế cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử để ban hành được Bản án đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng nếu như quá trình thi hành án thực hiện không kiên quyết, hời hợt, dông dài thì mất đi tính răn đe, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân. Vì vậy khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát đối với Chi cục thi hành án, Kiểm sát viên cần tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật; tự giác học tập, nghiên cứu kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành và học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đúc rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ đó xác định chính xác vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan liên quan. Tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những việc làm chưa đúng của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, đảm bảo hoạt động thi hành án dân sự, hành chính đúng pháp luật, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước và công dân.
Trong năm 2020 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà tổ chức thi hành đạt về việc 81,58% (558 việc đã giải quyết/684 việc có điều kiện thi hành); về tiền đạt 50,51% (8.598.672.000 đồng đã giải quyết/17.022.220.000 đồng có điều kiện thi hành) cao hơn so với chỉ tiêu được giao. Để đạt được kết quả đó bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện thì có sự góp phần tác động không nhỏ của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà . Ngay từ đầu năm Viện kiểm sát và chi cục thi hành án đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác phối hợp của năm trước, trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại hội nghị đã đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả và ký nghị quyết phối hợp của năm mới. Kiểm sát viên đã phối hợp với các chấp hành viên lập danh sách số việc cũ bao gồm những việc có điều kiện nhưng chưa thi hành, số việc chưa có điều kiện, số việc hoãn, tạm đình chỉ, số việc chây ỳ, đơn giải quyết khiếu nại, vật chứng trong kho tang vật đồng thời lập biên bản làm việc có chữ ký của Lãnh đạo 2 đơn vị. Trên cơ sở danh sách số việc cũ này, Kiểm sát viên sẽ nắm được toàn bộ những nội dung cần thực hiện theo Quy chế kiểm sát số 810 ngày 26/10/2016 và theo Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 của năm cũ chuyển sang như thời điểm các việc đủ điều kiện miễn, giảm tiền thi hành án, lý do hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, đôn đốc các việc được xác định có điều kiện nhưng chây ỳ không thi hành…
Đặc biệt đối với việc xác minh điều kiện để phân loại thi hành án, Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục thi hành án từ giai đoạn xác minh, có những việc khi được Viện kiểm sát động viên, giải thích, thuyết phục người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành, có những vụ việc người phải thi hành án đề nghị được nộp tiền ngay cho Viện kiểm sát, Kiểm sát viên đã hướng dẫn họ đến Chi cục thi hành án nộp tiền theo quy định, đối với các vụ việc chây ỳ thì cần cương quyết yêu cầu cưỡng chế, trong năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà đã yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện tổ chức cưỡng chế 03 vụ việc, trong đó 03 việc người phải thi hành án sau đó đã tự thỏa thuận việc thi hành, 03 việc cơ quan thi hành án ra Quyết định cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và khấu trừ tiền trong tài khoản, việc tổ chức cưỡng chế dưới sự giám sát của Viện kiểm sát đều diễn ra công khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hàng tháng Kiểm sát viên tiến hành rà soát với chấp hành viên những việc chưa có điều kiện đủ thời gian được miễn giảm theo quy định, yêu cầu lập hồ sơ chuyển Tòa án nhân dân huyện theo quy định, do vậy số việc tại Chi cục không còn việc nào đủ điều kiện chưa được miễn giảm theo quy định.
Có thể nói, đây là khâu công tác mà được Lãnh đạo Viện thường xuyên quan tâm, theo dõi, chỉ đạo kịp thời, trong đó có việc tổ chức, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định mới của pháp luật và những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự để tạo sự thống nhất về nhận thức trong công tác kiểm sát và thực hiện các quy định của ngành. Đồng thời Lãnh đạo đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; hàng tháng tổ chức họp đơn vị để đánh giá kết quả đã làm được và những nội dung trọng tâm chưa được triển khai, từ đó có những định hướng, chỉ đạo những việc làm cụ thể để phân công cho từng đồng chí kiểm sát viên, chuyên viên tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong thời gian còn lại của năm 2020 và những năm tiếp theo, Lãnh đạo, Kiểm sát viên, chuyên viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Hà với phương châm là tự trau dồi về đạo đức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của mình và nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao gắn với việc rằng luyện 5 đức tính của người cán bộ kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong ngành Kiểm sát nhân dân./.
Tiêu Thị Hồng VKSND huyện Thanh Hà |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.