Bàn về các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

Thứ tư - 24/11/2021 02:34
Bài phát biểu Kiểm sát viên là một văn bản pháp lý quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm về toàn bộ việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người gia tố tụng từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến trước thời điểm HĐXX vào nghị án.
Ngoài ra, còn thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án để Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Thông qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, phần nào đã khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự.  Do vậy, bài viết xin đưa ra một số kinh nghiệm của cá nhân nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm để cùng trao đổi, nghiên cứu, vận dụng:
Thứ nhất, khi xây dựng bài phát biểu, Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của BLTTDS đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS. Đồng thời, Kiểm sát viên phải xây dựng dự thảo bài phát biểu theo đúng biểu mẫu do Viện kiểm sát tối cao ban hành. Cụ thể là biểu mẫu số 24/DS (ban hành kèm theo quyết định 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao), Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC ngày 23/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoạt động phát biểu của KSV khi tham gia phiên tòa xét xủ vụ án dân sự, HNGĐ, KDTM, LĐ.
Thứ hai,Kiểm sát viên phải tiếp tục nghiên cứu nắm chắc các quy định của BLTTDS năm 2015, đặc biệt phải nắm và nhận thức đầy đủ những quy định của BLTTDS về trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa, có nắm chắc tố tụng thì Kiểm sát viên mới chủ động xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa và có những nhận xét đúng, đầy đủ, chính xác về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng nhằm bổ sung kịp thời vào bài phát biểu.
Thứ ba,khi được phân công tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện đúng quy chế, quy trình về kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự. Thực hiện việc báo cáo án đầy đủ, trước khi báo cáo án Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, khi nghiên cứu hồ sơ ngoài việc phải nắm chắc những vấn đề về tố tụng như: Thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết, xác định quan hệ tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của đương sự, việc thu thập chứng cứ của Tòa án...thì Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án, các yêu cầu cụ thể của đương sự, lập hồ sơ kiểm sát và trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của đương sự và các tài liệu khác.
Trong báo cáo án phải phân tích, tổng hợp chứng cứ, trích dẫn cụ thể Điều luật cần áp dụng và các văn  pháp luật có liên quan khác để đề xuất đường lối xử lý vụ án với Lãnh đạo Viện; chuẩn bị dự thảo bài phát biểu. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục, nội dung thì phải chỉ ra được vi phạm về vấn đề gì, vi phạm vào điều khoản nào, Luật nào điều chỉnh, mức độ vi phạm, chủ thể vi phạm và tùy theo mức độ vi phạm để đề xuất hướng xử lý bằng các hình thức yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong từng giai đoạn cho phù hợp.
 
03 bài phát biểu DS (mục trao đổi)
Ảnh: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm
Thứ tư, trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần đánh giá tính chất của vụ án để dự kiến trước các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa và đường lối xử lý; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết để sử dụng trong quá trình tác nghiệp tại phiên tòa, nhất là Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự và các văn  hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm luôn giữ được sự chủ động trong xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa để bổ sung vào  phát biểu được đầy đủ, chính xác.
Thứ năm, tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ phần thủ tục tố tụng tại phiên tòa để kịp thời yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục nếu có thiếu sót, vi phạm nhằm đảo bảo đúng trình tự thủ tục phiên tòa sơ thẩm. Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe toàn bộ nội dung hỏi và trả lời, diễn biến của phiên tòa để ghi chép đầy đủ vào bút ký phiên tòa; đối chiếu so sánh giữa những tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ và thực tế diễn biến tại phiên tòa để đánh giá diễn biến tại phiên tòa có thay đổi nội dung vụ án hay không. Chủ động xử lý những tình huống mới phát sinh, để đưa ra quan điểm cho phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án và quy định của pháp luật. Bổ sung những tình huống phát sinh tại phiên tòa vào trong dự thảo bài phát biểu, bảo đảm bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là một văn bản pháp lý thể hiện quan điểm toàn diện, đầy đủ của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án.
Thứ sáu,Kiểm sát viên cần chủ động tham gia hỏi tại phiên tòa. Nội dung hỏi cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến tố tụng và nội dung vụ án mà Hội đồng xét xử chưa hỏi, hỏi những câu hỏi mà đương sự trả lời chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án để phục vụ cho bài phát biểu cũng như phục vụ cho việc xem xét yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị sau phiên tòa.
Thứ bảy, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ những thiếu sót trong bài phát biểu đã nêu trước đó để khắc phục và thường xuyên rèn luyện kỹ năng viết, trình bày bài phát biểu nhất là kỹ năng tổng hợp để tóm tắt ngắn ngọn nội dung vụ án và yêu cầu giải quyết của các đương sự; rèn luyện kỹ năng đánh giá chứng cứ, kỹ năng phân tích, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, kỹ năng vận dụng pháp luật để giải quyết các yêu cầu của đương sự trong vụ án.
Cuối cùng, Kiểm sát viên cần thực hiện tốt quyền yêu cầu Tòa án thu thập bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ để bài phát biểu của Kiểm sát viên về tố tụng và nội dung đầy đủ, chính xác, có căn cứ pháp luật.
Đối với những vụ án trong bài phát biểu Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thu thập, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ, bổ sung người tham gia tố tụng hoặc để khắc phục những vi phạm về tố tụng khác; những vụ án do thiếu những tài liệu, chứng cứ nên Kiểm sát viên không phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án nhưng Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử và ra  án thì sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay cho Lãnh đạo phụ trách bộ phận, đồng thời kiểm tra lại tòan bộ hồ sơ vụ án để tham mưu cho Viện trưởng quyết định kháng nghị đối với  án của Tòa án cùng cấp hoặc báo cáo cấp trên kháng nghị.
Có thể nói Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là sự kết tinh của cả quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên, là kết quả hoạt động của công tác kiểm sát của Kiểm sát viên, thể hiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự nhằm bảo đảm cho các hoạt động của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức và công dân.
Lê Thị Thu Thanh, Nguyễn Thị Thúy
Viện KSND TP. Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây