Bàn về hình phạt Cải tạo không giam giữ

Thứ tư - 16/02/2022 02:44

Điều 36. Cải tạo không giam giữ

1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

Bộ luật hình sự 2017 quy định các hình phạt chính đối với người phạm tội (khoản 1 Điều 32): Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình, nhằm mục đích: Không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ: đủ 02 điều kiện

(1) Đối với người phạm tội (không áp dụng đối với phạm nhân phạm tội) ít nghiêm trọng (điểm a khoản 1 Điều 9), phạm tội nghiêm trọng (điểm b khoản 1 Điều 9: mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù), không phân biệt phạm tội do lỗi cố ý hay lỗi vô ý;

(2) Đối với người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Theo nội dung điều luật, có thể hiểu: (1)Nơi làm việc ổn định: được xác định là tổ chức, cơ quan đang hoạt động theo pháp luật hiện hành, mà người phạm tội có hợp đồng lao động hợp pháp từ 6 tháng trở lên, được đảm bảo chế độ bảo hiểm hiện hành, đang làm việc trước khi thực hiện hành vi phạm tội, tiếp tục được làm việc sau khi bị kết án; (2) Có nơi cư trú rõ ràng: có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú theo quy định; (3) Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội: căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, để cân nhắc việc không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội;

Mức hình phạt cải tạo không giam giữ: từ 06 tháng đến 03 năm; theo đó nếu có căn cứ xử áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội, thì thấp nhất là 06 cải tạo không giam giữ; thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.

Ví dụ Nguyễn Văn A, 30 tuổi, chưa có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt, đang trú tại thôn X, xã Y, huyện Z; Nguyễn Văn A trộm cắp xe đạp điện giá trị 2.500.000đ của bà B khi bà B để trên vỉa hè, đi mua hàng; A tự thú, trả lại tài sản cho bà B. Nguyễn Văn A bị kết án về tội Trộm cắp tài sản, quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự, khung hình phạt: cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì mức thấp nhất là 06 tháng đối với Nguyễn Văn A.Vấn đề đặt ra nếu không áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ đối với Nguyễn Văn A, thì có thể áp dụng hình phạt khác theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Trong trường hợp này Nguyễn Văn A có nhân thân tốt, có 4 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự (thành khẩn khai báo, tự thú, bồi thường thiệt hại, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng), có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng khoản 1 Điều 173 là khoản nhẹ nhất, do vậy có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Đối chiếu quy định tại Điều 32 Bộ luật hình sự, hình phạt nhẹ hơn Cải tạo không giam giữ lần lượt là: Phạt tiền và Cảnh cáo. Không thể áp dụng hình phạt tiền đối với Nguyễn Văn A, bởi Điều 173 không quy định phạt tiền; không đủ điều kiện áp dụng phạt tiền là hình phạt chính quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự. Trường hợp này Nguyễn Văn A chỉ có thể được áp dụng hình phạt Cảnh cáo quy định tại Điều 34 Bộ luật hình sự;

Nơi thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (1) Cơ quan, tổ chức nơi người phạm tội đang làm việc, học tập (2) Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người phạm tội cư trú.Toà án căn cứ lý lịch nhân thân bị cáo, xác định Cơ quan, tổ chức nơi người phạm tội đang làm việc, học tập có đủ điều kiện để quản lý người phạm tội bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, người phạm tội không được đề nghị Toà án “Giao mình” cho  Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người phạm tội dự định đến cư trú;

Việc khấu trừ thu nhập của người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện như sau

Bắt buộc phải áp dụng:khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước.

Có thể áp dụng: Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án, như: người bị kết án thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc ít người tại địa bàn đặc biệt khó khăn, thương binh, người có công…

không được áp dụng: khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; đối với người dưới18 tuổi phạm tội;

Mặc dù điều luật không quy định, nhưng đối chiếu quy định về việc Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng, có thể xác định không được khấu trừ thu nhập đối với: phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Công việc lao động phục vụ cộng đồng; Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạtthì phảithực hiện mộtsố công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ (không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần).Điều luật  quy định: Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Ai là người có quyền quyết định, quyền giao công việc cho người bị kết án, Công việc lao động phục vụ cộng đồng là công việc gì?

Toà án quyết định người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phải thực hiện mộtsố công việc lao động phục vụ cộng đồng, trong các trường hợp không khấu trừ thu nhập; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong một thời gian  nhất định, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân cấp xã (khoản 5 Điều 101 Luật thi hành án hình sự năm 2019); Công an cấp xã giám sát người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng;

Công việc lao động phục vụ cộng đồng: Hiện pháp luật chưa quy định Danh mục Công việc lao động phục vụ cộng đồng; Theo chúng tôi Công việc lao động phục vụ cộng đồng là công việc vì lợi ích chung cho cộng đồng dân cư tại nơi người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cư trú, công việc này không phát sinh lợi nhuận, không thuộc loại công việc thường xuyên sử dụng ngân sách của chính quyền cấp xã, người lao động được cung cấp dụng cụ, bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn lao động (không phải chịu bất kỳ chi phí liên quan đến công việc); ví dụ: Dọn dẹp vệ sinh Nhà văn hoá của Khu dân cư; sửa sang chỉnh trang cây xanh do người dân tự quản bên đường giao thông…

(*)____________________________

(*) Tham khảo bài viết:Về việc áp dụng biện pháp buộc lao động phục vụ cộng đồng đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ/ Kiểm sát online/Pháp luật-nghiệp vụ ngày 19.11.2021/ Ths.Đinh Công Thành.
 

Nguyễn Quang Trung
Phòng 7 VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây