Bàn về quy định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ Luật hình sự 2015

Thứ hai - 22/07/2024 23:30
Chương XII  của Bộ luật hình sự: "Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội". Đây là cơ sở pháp lý để xử lý đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi khá đầy đủ, trong đó tại Điều 90, 91 BLHS cũng như  Điều 101, 102 BLHS đã quy định về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
Khoản 1 Điều 91 BLHS quy định:   
Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Tuy nhiên những quy định này còn mang tính chung chung, tùy nghi chưa cụ thể và trong nhiều tình huống chưa giảm nhẹ đáng kể  khi quyết định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi, có nhiều cách hiểu khác nhau khi quyết định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi chưa được hướng dẫn.
Vấn đề thứ nhất: Nếu người dưới 18 tuổi có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng là đồng phạm thứ  yếu vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt tù có thời hạn.
 Tại khoản 6 Điều 91 BLHS quy định " Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và các biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa"
Quy định khaonr 6 Điều 91 BLHS này rất nhân văn và thể hiện quan điểm đúng đắn của pháp luật khi xử lý đối với người chưa 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên, quy định căn cứ "xét thấy" mang tính chất định tính, yếu tố đánh giá chủ quan, không rõ ràng nên việc áp dụng mang tính chất tùy nghi
Ví dụ: A, B dưới 18 tuổi (trên 16 tuổi đang là học sinh cấp 3) chơi cùng 1 nhóm bạn một số người trong nhóm đã hẹn đánh nhau  với nhóm khác rủ A, B đi cùng để tạo động lực lượng cho khí thế. A, B đồng ý đi, A, B cầm  theo gạch và nhóm A, B có cầm hung khí ( có cầm theo gạch, gậy, vỏ chai bia...) cùng đến địa điểm ( gần trường học), nhóm của A, B đánh nhau bằng ném gạch dùng vỏ chai bia đập vỡ, gậy tuýp sắt đánh nhau với nhóm khác gây thương tích, gây mất trật tự, gây ảnh hưởng xấu an ninh trật tự xã hội.  A, B tham gia đi cùng có mặt từ đầu đến kết thúc có đi lại khu vực đánh nhau (hỗ trợ về tinh thần),   không trực tiếp có hành vi đánh nhau  nhưng có ném gạch nhưng không trúng ai, sau khi sự việc kết thúc mới ra về.  Về đồng phạm A, B đã đồng phạm với các đối tượng trong nhóm do cùng chung ý chí đi đánh nhau và giúp sức về mặt tinh thần và vật chất là tạo đông lực lượng để áp đảo nhóm đối phương làm gây rối trật tự công cộng. A và B cùng các đối tượng khác ( trên 18 tuổi)  trong nhóm bị khởi tố  về tội gây rối trật tự công cộng theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS (dùng hung khí).
Quá trình xét xử đối với A, B có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: cả 2 A, B phạm tội nghiêm trọng, nhân thân tốt, A, B chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ TNHS là thành khẩn khai báo, ngoài ra không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác nên không đủ điều kiện xem xét Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91 BLHS, tuy vậy cũng cần phải xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo Điều 96 BLHS.
Quan điểm thứ 2: Cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với A, B vì theo Điều 100 BLHS " Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội... nghiêm trọng...".
Quan điểm thứ 3: Áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với A, B xem xét được giảm hình phạt theo Điều 101 BLHS( mức phạt tù không quá 3/4 so với mức phạt người đã thành niên) bởi vì do A, B chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ ( không đủ điều kiện hưởng án treo), lại phạm tội khoản 2 Điều 318 BLHS là tội nghiêm trọng. Điều 91 Bộ luật hình sự  không  quy định trường hợp trên không được áp dụng hình phạt tù. đồng thời đánh giá hành vi phạm tội của A, B mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, là tội phạm đường phố cần phải trừng trị để răn đe phòng ngừa.
Trong thực tế, cả 3 quan điểm trên,  đều đã được quyết định đối với các trường hợp tương tự như của A và B, tùy theo các quan điểm, nhận thức khác nhau của Hội đồng xét xử. Cả 3 quyết định trên đều không trái theo quy định cụ thể của BLHS, tuy nhiên mỗi quyết định lại có những hậu quả pháp lý khác nhau.
Theo quan điểm của tôi thì quyết định theo quan điểm thứ 2 hình phạt cải tạo không giam giữ là phù hợp vừa tạo cơ hội cho A và B tiếp tục đi học, vừa có tác dụng trừng trị đúng theo quy định pháp luật.  Đồng thới quy định tại điều 100 " hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuooi4 đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng , phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng" như vậy cần tăng cường áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hạn chế áp dụng hình phạt tù để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật .
Nếu quyết định theo quan điểm thứ nhất thì có thể là nhẹ nhất nhưng A, B sẽ phải đưa giáo dục tại trường giáo dưỡng trong khi A và B đang đi học cấp 3 sẽ phải bỏ dở việc học, không đảm bảo tính chất nhân đạo của pháp luật,  đồng thời cơ sở giáo dục của Việt Nam hiện nay cũng cần phải đầu tư nghiên cứu để đảm bảo sự giáo dục tốt nhất tránh các thanh niên hư cùng môi trường học hỏi lẫn nhau.  Nếu quyết định theo quan điểm 3 không  trái quy định khoản 6  Điều 91 và Điều 101 BLHS nhưng buộc A, B chấp hành hình phạt tù từ hành vi phạm tội a dua bạn bè, bị rủ rê, vai trò thứ yếu, hình phạt này xét trên góc độ nhân đạo thì quá nghiêm khắc vừa mất đi cơ hội học hành của A, B vừa không đảm bảo tinh thần nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi theo khoản 1 Điều 91 BLHS.
Vì vậy cần sửa đổi Điều 101 BLHS theo hướng hạn chế hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi để tăng cường áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc các hình phạt nhẹ hơn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội  
Vấn đề thứ hai: Về quyết định mức hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi
Điều 101 BLHS năm 2015 và Điều 74 BLHS năm 1999  quy định về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi ( người chưa thành niên) đều có nội dung giống nhau, không thay đổi, chỉ khác cụm từ "Người chưa thành niên" của BLHS1999  thay bằng cụm từ "người dưới 18 tuổi"của BLHS 2015. Tuy nhiên Điều 74 Bộ luật hình sự 1999 thì có Nghị quyết 01/2006 ngày 12/6/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, còn Bộ luật hình sự 2015 thì chưa có hướng dẫn nên cách hiểu và cách áp dụng hình phạt có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm Bộ luật hình sự  chỉ có quy định mức hình phạt tù cao nhất không được quá  mà không có quy định mức hình phạt tù thấp nhất đối với người dưới 18 tuổi ở mọi tội phạm; có quan điểm xác định người dưới 18 tuổi có khung hình phạt tù với mức thấp hơn và theo khung hình phạt tù của người trên 18 tuổi của mỗi tội phạm.
Ví dụ trường hợp: Phạm Văn T ( trên 14 tuổi dưới 16 tuổi ) cùng với Nguyễn Văn H ( trên 16 tuổi và dưới 18 tuổi) hiếp dâm cháu V 11 tuổi.      Phạm Văn T, Nguyễn Văn H bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", với tình tiết " nhiều người hiếp 1 người", theo điểm b khoản 3 Điều 142 BLHS; T và H đều thành khẩn khai báo, đã tự nguyện bồi thường và được gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Về quyết định hình phạt đối với trường hợp này có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo khoản 3 Điều 142 BLHS có khung hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, điều luật các bị cáo phạm vào có quy định hình phạt là Chung thân và tử hình nên theo quy định tại Điều 101 BLHS thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với BC T (dưới 16 tuổi) là không quá 12 năm tù, mức hình phạt được áp dụng đối với bị cáo H ( dưới 18 t trên 16 t) là không quá 18 năm tù.
Theo quy định Điều 101 BLHS thì không quy định mức tối thiểu của hình phạt tù, nên có thể quyết định mức án bao nhiêu cũng được miễn là không quá mức án cao nhất như trên, hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi không có giới hạn mức thấp nhất.  Hội đồng xét xử tùy thuộc vào tính chất mức độ các tình tiết của vụ án và nhân thân của các bị cáo để quyết định, có thể quyết định mức hình phạt đối với T 4 năm tù, đối với H 6 năm tù hoặc thấp hơn nữa mà không cần phải áp dụng Điều 54 BLHS ( quyết định dưới khung hình phạt)
  Quan điểm thứ 2:  nhất trí với quan điểm 1  ở  nội dung xác định mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với BC T (dưới 16 tuổi) là không quá 12 năm tù, mức hình phạt được áp dụng đối với bị cáo H ( dưới 18 t trên 16 t) là không quá 18 năm tù.
Về mức thấp nhất của khung hình phạt thì tại hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2006 ngày 12/6/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC ( hướng dẫn BLHS 1999 Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên) thì
" 11. Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội
11.1. Khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần thực hiện như sau:
a. Xác định mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội như đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên;
b. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này;
c. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 1/2 mức hình phạt đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này.
Ví dụ: A là người chưa thành niên phạm tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194 của BLHS, có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù thì trước hết cần xem A là người đã thành niên phạm tội. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được áp dụng Điều 47 của BLHS, nếu A là người đã thành niên thì xét xử A mức hình phạt 12 năm tù là thỏa đáng. Vì A là người chưa thành niên, nếu A từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt đối với A là 9 năm tù (3/4 của 12 năm tù); nếu A là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt đối với A là 6 năm tù (1/2 của 12 năm tù)".
Đến nay cũng chưa có hướng dẫn nào mới đối với quyết định hình phạt người dưới 18 tuổi, nên mặc dù Nghị quyết trên đã hết hiệu lực, nhưng không trái với các quy định của BLHS 2015 nên cần nghiên cứu áp dụng để quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi.
Theo đó, do mức  hình phạt  thấp nhất của khung hình phạt mà các BC phạm vào là 20 năm tù, nên nếu các bị cáo là người đã thành niên thì chịu mức hình phạt  đầu khung là 20 năm tù, vì vậy  mức hình phạt đầu khung  đối với BC T là 1/2 của 10 năm tù là 10 năm tù và  đối với BC H là 3/4 của 20 năm tù là  15 năm tù. Vì T và H có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên có thể áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt nhưng phải trong khung liền kề ( khung hình phạt của khoản 2 Điều 142 BLHS là 12 năm đến 20 năm) nên hình phạt thấp nhất khi áp dụng Điều 54 BLHS xử dưới khung hình phạt đối với  T là 6 năm tù (1/2 của 12 năm tù)  và đối với H là 9 năm tù ( 3/4 của 12 năm tù). Như vậy việc không áp dụng Điều 54 BLHS đối với các bị cáo và xử các bị cáo T 4 năm tù, bị cáo H 6 năm tù ( thấp hơn mức hình phạt trong khung hình phạt liền kề) như quan điểm 1, trong khi T, H đều có vai trò chính không phải là người giúp sức là không đảm bảo đúng quy định.  
Theo quan điểm của tác giả:  quan điểm thứ 2 là đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vì như quan điểm thứ nhất  là không có mức thấp nhất của khung hình phạt tù đối với người chưa 18 tuổi, thì khung hình phạt  quá dài từ 3 tháng đến 18 năm tù hoặc 3 tháng đến 12 năm tù dễ dẫn đến việc tùy nghi trong áp dụng hình phạt. Quan điểm như hướng dẫn của Nghị quyết 01/2006 ngày 12/6/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC là đảm bảo công bằng và phù hợp, tức định hình phạt như đối với người đã 18 tuổi (đã thành niên) sau đó áp dụng các quy định của người dưới 18 tuổi tính toán ( số học) mức hình phạt theo quy định.
Tuy nhiên, quy định mức hình phạt tù người dưới 18 tuổi không quá mức 1/2 và 3/4 người trên 18 tuổi (đã thành niên)  còn chưa giảm nhẹ đáng kể hình phạt tù của người dưới 18 tuổi so với người trên 18 tuổi, trong thực tế hình phạt tù của người dưới 18 tuổi còn ở mức cao  so với nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi, tính nhân đạo của pháp luật cần phải sửa đổi về việc áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi.
Vấn đề thứ ba: Pháp luật Việt nam đối với người dưới 18 tuổi có nội dung tương đồng với pháp luật của Công hòa liên bang Đức ( có những quy định của Điều 91 giống nguyên bản), tuy nhiên pháp luật của Đức có hình phạt " Buộc lao động công ích" hình phạt này có tác dụng rất lớn, hiệu quả để rèn luyện, cải tạo cùng như trừng trị đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện chưa có hình phạt này, cần nghiên cứu đưa vào quy định của Bộ luật hình sự.  
Từ những nội dung trên tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi Bộ luật hình sự về các quy định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi theo hướng
1. Thứ nhất:
Sửa đổi Điều 101 Bộ luật hình sự  Tù có thời hạn bổ sung thêm quy định  không xử phạt tù đối với các trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội để tương ứng với "hình phạt cải tạo không giam giữ" về nội dung: "Không áp dụng hình phạt tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có nhân thân tốt  phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng  hoặc người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có nhân thân tốt  phạm tội rất nghiêm trọng.
Thứ hai:  sửa khoản 1, 2 Điều 101 BLHS theo hướng giảm mức hình phạt tù ( còn 1/2 và 1/3) cụ thể:
Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần ba  mức phạt tù mà điều luật quy định.
Thứ 3: Cần nghiên cứu bổ sung Bộ luật hình sự  thêm hình phạt " Buộc lao động công ích"
Người dưới 18 tuổi là người mới lớn còn đang phát triển về thể chất và suy nghĩ, hành động, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên cần đặc biệt quan tâm khi quy định về hình phạt đối với họ để từ đó mục đích của hình phạt đối với họ  đạt  hiệu quả cao. Trên đây là những nội dung tìm hiểu  trao đổi để áp dụng trong thực tiễn và đề nghị sửa đổi  quy định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội để Bộ luật hình sự ngày càng hoàn thiện phù hợp hơn. /.

 
                                                        Phạm Thị Yến
Phòng 2 VKSND tỉnh 
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây