Bàn về quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự

Chủ nhật - 05/05/2024 04:20
   Điều 134 Bộ luật hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người trong đó tại khoản 6 Điều luật quy định: "Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hoá chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
   Đây là nội dung mới được quy định trong điều luật so với Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, một người có hành vi chuẩn bị công cụ, dụng cụ như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khi nguy hiểm hoặc lập nhóm, tham gia nhóm với mục đích gây thương tích cho người khác thì đã cấu thành tội phạm, bị xử lý hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 02 năm tù.
   Về mặt cấu thành tội phạm, tại khoản 1 Điều 134 quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm"
a)…."
   Như vậy, theo nhận thức chung, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có cấu thành vật chất với yếu tố hậu quả (tỷ lệ tổn thương cơ thể) là dấu hiệu bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Công văn 89/2020 ngày 30/6/2020 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của TAND tối cao có giải đáp về quy định tại khoản 6  Điều 134 như sau: "Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội…”. Như vậy, người thực hiện hành vi dù chưa thoả mãn yếu tố hậu quả gây thương tích, tổn hại sức khoẻ cho người khác nhưng có sự chuẩn bị công cụ là vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm…bàn bạc, thống nhất tham gia hội nhóm nhằm mục đích gây thương tích cho người hác thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự.
   Về xử lý trách nhiệm hình sự, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
   1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
   2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ…”
Như vậy, việc khởi tố theo yêu cầu bị hại về tội Cố ý gây thương tích chỉ áp dụng với trường hợp phạm tội quy đinh tại khoản 1 Điều 134, còn trường hợp người phạm tội theo quy định tại khoản 6 Điều 134 mặc dù chưa gây ra hậu quả nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự không phụ thuộc vào việc bị hại có yêu cầu hay không. Trong khi đó, so sánh hình phạt tại khoản 1 và khoản 6 của Điều 134 thì thấy rằng, mức hình phạt quy định tại khoản 1 là nặng hơn so với mức hình phạt quy định tại khoản 6 của điều luật.
   Quy định này đặt ra vấn đề có trường hợp việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích không đảm bảo tính công bằng, hợp lý.
   Ví dụ: A có mâu thuẫn với B và C trong quá trình làm ăn, do A nợ tiền B, C. B, C đã nhiều lần đòi tiền nhưng A không trả mà còn có lời nói xúc phạm, chửi mắng B, C. Trong lúc tức giận B đã về nhà lấy 01 chai a-xit, C đi mua 01 dao quắm đến gặp A mục đích chém gây thương cho A. Khi B đến cổng nhà A gặp A được A hứa trả tiền, B đã đi về không gây thương cho A nữa. C đến gặp A và dùng dao quắm chém 01 nhát vào tay A gây tổn thương sức khoẻ cho A với tỷ lệ thương tật 09%. A có yêu cầu khởi tố đối với C, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với C về tội Cố ý gây thương tíchh theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Quá trình điều tra C đã bồi thường cho A và miễn khoản nợ cho A vì vậy A có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với C. Cơ quan điều tra đã ra Quyết đình chỉ điều tra vụ án, Đình chỉ điều tra bị can đối với C. Đối với hành vi của B, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B theo quy định tại khoản 6  Điều 134 Bộ luật hình sự.
   Như vậy, cùng mục đích gây thương tích cho người khác, người đã thực tế gây thương tích, gây ra tổn hại về sức khoẻ cho người khác với khung hình phạt nặng hơn lại chỉ có thể bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại, có thể được đình chỉ khi bị hại rút đơn yêu cầu nhưng người chưa thực hiện hành vi gây thương tích, chưa gây hậu quả tổn hại sức khoẻ cho người khác thì lại đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này có thể sẽ gây tâm lý không đồng tình trong quần chúng nhân dân và chưa thực sự hợp lý. Đây là bất cập của quy định pháp luật, cần sửa đổi cho phù hợp.
   Để việc áp dụng pháp luật vừa đảm bảo tính đúng đắn vừa đảm bảo tính hợp lý, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trung ương cần sớm có hướng dẫn cụ thể thống nhất cách hiểu về điều khoản này sửa đổi khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự theo hướng phù hợp hoặc sửa quy định Điều 155 BLHS thêm trường hợp phạm vào khoản 6 Điều 134 BLHS thì khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
                                                                                              Vũ Thị Hương - VKSND huyện Tứ Kỳ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây