Bàn về quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 Bộ luật hình sự

Thứ tư - 16/09/2020 21:25

Vấn đề xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự rất quan trọng, nó là cơ sở để một người thực hiện hành vi phạm tội có bị xử lý  bằng pháp luật hình sự hay không trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, thực tế  có nhiều vướng mắc, bất cập nhiều cách hiểu khác nhau khi xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự (BLHS) thì:

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Theo Điều 27 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Tuy nhiên trong thực tế áp dụng có những vướng mắc, quan điểm khác nhau về các quy định tại Điều 27 BLHS

Trước hết hiểu khái niệm Truy cứu trách nhiệm hình sự (TCTNHS) là gì. Trong Bộ luật hình sự cũng như Bộ luật tố tụng hình sự cũng không có khái niệm truy cứu TNHS là gì. Chỉ có các quy định: Miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29), thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27)

Theo quan điểm một số người thì: Truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: thời hạn để tính thời hiệu truy truy cứu trách nhiệm hình sự tính bắt đầu từ khi thực hiện hành vi phạm tội kết thúc  khi người phạm tội  có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm này cho rằng quy định về thời hiệu đặt ra những yêu cầu đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là cần khẩn trương truy tìm, điều tra tội phạm,  nếu trong thời hạn trên mà không xét xử quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì hết thời hiệu.

Theo quy định tại Điều 27 thì đối với người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì mới không tính thời hiệu. Mà một người phạm tội bị truy nã thì chỉ khi người phạm tội đó đã bị khởi tố hoặc truy tố hoặc chuẩn bị xét xử, chỉ khi người đó trốn và bị truy nã thì mới không tính thời hiệu tức là nếu người đó không trốn và không bị  truy nã (mặc dù đã bị khởi tố) thì vẫn tính thời hiệu. Kết thúc thời hạn truy cứu TNHS là khi có bản án có hiệu lực pháp luật (giai đoạn sau tính theo thời hệu của thi hành án). 

Với quy định trên thì Thời hạn tố tụng để điều tra, truy tố xét xử vẫn tính vào thời hiệu để truy cứu TNHS chỉ trừ khi người phạm tội  trốn và bị truy nã mới không tính thời hiệu.

Như vậy, với quan điểm này thì  quá trình điều tra, truy tố, xét xử kéo dài hết thời hạn nêu tại Điều 27 BLHS mà chưa có bản án có hiệu lực pháp luật đối với người  phạm tội mà hết thời hạn quy định tại Điều 27 BLHS thì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đó nên phải đình chỉ. Như vậy sẽ có nhiều trường hợp phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra, hoặc truy tố hoặc xét xử do hết thời hiệu truy cứu TNHS.

Trong các vụ án do phức tạp, trả hồ sơ và huỷ án nhiều lần, dẫn đến từ khi phạm tội qua thời hạn (5 năm, 10 năm….) mà chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật (kết thúc quá trình truy cứu TNHS) thì cũng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không bị xử lý nữa (Đình chỉ do hết thời hiệu).

Trong các vụ án tạm đình chỉ điều tra bị can mà không bị truy nã:

Ví dụ 1: Vụ án trộm cắp tài sản xảy ra (chiếm đoạt tài sản dưới  50 triệu đồng – là tội phạm ít nghiêm trọng) đã  khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can nhưng 1 bị can trốn có quyết định truy nã đối với 1 bị can, hết thời hạn điều tra  CQĐT đã tạm đình chỉ điều tra đối với cả 3 bị can chờ bắt được bị can trốn để xử lý. Đến 5 năm sau kể từ khi tội phạm xảy ra mới bắt bị can bỏ trốn. Như vậy hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với 2 bị can không trốn và không bị truy nã, nên Cơ quan điều tra phải Đình chỉ điều tra đối với 2 bị can này. Các cơ quan tố tụng chỉ điều tra, truy tố và xét xử đối với 1 bị can bỏ trốn và có lệnh truy nã.

Trong các vụ án tạm đình chỉ do bị can, bị cáo bị tâm thần bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (không do người phạm tội trốn, truy nã)

Ví dụ 2:  người phạm tội H bị truy tố về tội Đánh bạc (tội ít nghiêm trọng) Quá trình chuẩn bị xét xử có tài liệu xác định có H dấu hiệu bị bệnh tâm thần, TA đã ra quyết định trưng cầu giám định, sau khi có kết quả giám định xác định H bị bệnh tâm thần mất năng lực nhận thức tại thời điểm hiện tại,  TA đã ra Quyết định tạm đình chỉ và quyết áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với H,  H điều trị bắt buộc chữa bệnh hơn 5 năm chưa có thông báo của bệnh viện xác định đã khỏi bệnh (xác minh tại bệnh viện xác định H chưa khỏi bệnh vẫn lấy thuốc điều trị ngoại trú).  Như vậy H đã qua thời hạn 5 năm nên được hưởng thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại Điều 27 BLHS.  

Ví dụ 3: ngày 20/10/2005 A trộm cắp 1 xe máy trị giá 5.100.000 đ. Đến năm 2007 A bị phát hiện và khởi tố về tội trộm cắp tài sản (khoản 1- tội ít nghiêm trọng), A đã  bị truy tố, về tội Trộm cắp tài sản. Quá trình chuẩn bị xét xử xác định có A  dấu hiệu bị bệnh tâm thần, TA đã ra quyết định trưng cầu giám định, sau khi có kết quả giám định xác định A bị bệnh tâm thần mất năng lực nhận thức tại thời điểm hiện tại (Tại thời điểm phạm tội không bị mất năng lực TNHS),  TA đã ra Quyết định tạm đình chỉ và quyết  áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh  đối với A tại bệnh viện tâm thần trung ương 1, từ tháng 9/2008, tuy nhiên Toà án chỉ giao quyết định bắt buộc cho A và gia đình tự đi, mà  không giao A cho bệnh viện tâm thần theo quyết định của biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau đó, gia đình không đưa A đến bệnh viện tâm thần, A bỏ đi đâu gia đình không rõ, nhiều lần TA hay VKS đã đến gia đình và địa phương xác định nhưng không biết A ở đâu. Đến nay 2020 đã qua 10 năm tiếp tục xác minh không rõ A ở đâu, trường hợp này xác định hết thời hiệu truy cứu TNHS.

Ví dụ 4: Năm 2010 B bị khởi tố, truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2 (tội nghiêm trọng), trong khi chuẩn bị xét xử có căn cứ nghi ngờ B bị bệnh tâm thần, TAND huyện H trưng cầu giám định về tâm thần đối với B, do thời gian giám định dài nên TAND huyện H tạm đình chỉ đối với B để đợi kết quả giám định. Do trong thời gian giám định B không đến nơi giám định nên không giám định được nên cơ quan giám định chưa có kết quả giám định (cũng không có văn bản phản hồi với bên trưng cầu giám định), cơ quan Toà án cũng không theo dõi xử lý,  thời gian hơn 10 năm sau phát hiện vụ án vẫn đang tạm đình chỉ chờ kết quả giám định. Trường hợp này, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với 4 ví dụ trên thấy rằng nếu hiểu theo quan điểm 2 thì trong thực tế có thể xảy ra 1 số vụ án được coi hết thời hiệu truy cứu TNHS một cách không phù hợp, dễ bị lợi dụng để “thoát tội”

Quan điểm thứ 2: cho rằng thời hạn để tính thời hiệu truy truy cứu trách nhiệm hình sự  bắt đầu từ khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, kết thúc khi người phạm tội bị phát hiện và bị khởi tố (khởi tố bị can), Bởi vì:

 Truy cứu trách nhiệm hình sự là bao gồm các hoạt động: quyết định khởi tố bị can, quyết định truy tố (ra bản Cáo trạng), bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Như vậy trường hợp 1 người phạm tội mà không bị phát hiện hoặc bị phát hiện mà chưa bị khởi tố bị can (chỉ khởi tố vụ án) thì  trong thời gian 5 năm, 10 năm…. tuỳ từng loại tội quy định tại Điều 27 BLHS, mà  sau thời gian đó mới bị phát hiện thì không bị truy cứu TNHS nữa tức là không bị Khởi tố bị can nữa. Còn khi đã áp dụng biện pháp tố tụng hình sự đầu tiên là “ Khởi tố vụ án, khởi tố bị can” thì tức là đã truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, bắt đầu 1 hoạt động tố tụng theo quy định (đảm bảo khi khởi tố vụ án, bị can chưa hết thời hiệu) thời gian trong quá trình thực hiện các hoạt động điều tra truy tố xét xử không tính thời gian vào thởi hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…. Thời gian điều tra truy tố, xét xử có thể kéo dài lâu hơn thời hạn mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định (có thể người người phạm tội không trốn nhưng do thời hạn tố tụng giải quyết kéo dài tạm đình chỉ do người phạm tội bị phạm tội bệnh tâm thần phải chữa bệnh, chờ kết quả giám định ....hoặc kéo dài thời hạn giải quyết do vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; do tính chất  phức tạp của vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần….) nhưng thời hạn trong quá trình điều tra, không được trừ vào thời gian để tính thời hiệu. Chỉ khi người phạm tội được đình chỉ (Đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử) thì mới bắt đầu tính thời hạn truy cứu TNHS từ khi đình chỉ. Còn nếu tạm đình chỉ thì không tính thời hiệu.

Như vậy trong các trường hợp trên người phạm tội đã bị khởi tố điều tra (khởi tố bị can) thậm chí bị truy tố, vì vậy đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên thời gian tạm đình chỉ của Cơ quan điều tra hoặc Toà án không tính vào thời gian để tính thời hiệu (có thể kéo dài 5 năm hoặc 10 năm…) mặc dù không bị truy nã. Các trường hợp từ ví dụ 1 đến 4 của quan điểm 1 đều không được hưởng thời hiệu truy cứu TNHS. Cơ quan tố tụng nào có lỗi trong việc giải quyết vụ án thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Quan điểm của tác giả: là quan điểm thứ 2 tức thời hạn tính truy cứu trách nhiệm hình sự là kết thúc khi có quyết định khởi tố bị can đối với người phạm tội, tức khi khởi tố bị can là đã TCTNHS. Nếu chỉ có quyết định khởi tố vụ án mà chưa khởi tố bị can thì người phạm tội được hưởng thời hiệu truy cứu TNHS khi hết thời hạn theo quy định tại Điều 27 BLHS.  Trong thực tế một số vụ án đã khởi tố vụ án nhưng chưa rõ bị can và bị tạm đình chỉ điều tra, thì khi hết thời hạn được quy định tại Điều 27 BLHS thì phải đình chỉ điều tra). Trong thực tế vẫn đang áp dụng bởi không thể tính thời gian giải quyết theo quy định của BLTTHS là thời gian để tính thời hiệu TCTNHS đối với 1 người phạm tội, vì thời hạn điều tra truy tố xét xử và các hoạt động trong các giai đoạn này là hoạt động tố tụng nếu có là vi phạm thời hạn tố tụng hình sự. Trong thực tế các trường hợp tạm đình chỉ để áp dụng bắt buộc chữa bệnh, giám định hoặc các vụ án đang điều tra do phức tạp nên bị trả hồ sơ hoặc huỷ đi huỷ lại nhiều lần thời gian kéo dài quá thời gian quy định trong thời hiệu TCTNHS có nhiều, nếu tính thời hiệu hiệu trong các trường hợp này là không phù hợp.

Với quan điểm thứ 2 thì Điều 27 BLHS quy định trừ trường hợp người phạm tội bỏ trốn và bị truy nã  là thừa, vì theo quy định bộ luật tố tụng hình sự một người chưa bị khởi tố bị can thì chưa thể bị truy nã. Một người đã bị truy nã tức là đã bị khởi tố hoặc truy tố, tức đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì  đương nhiên là không tính thời hiệu (dù có bỏ trốn và bị truy nã hay không đều không tính thời hiệu).

Tuy nhiên, với quan điểm 2  thì cũng có 1 số vướng mắc như trong ví dụ 3, 4 thì phải xử lý như thế nào nếu không xác định hết thời hiệu truy cứu TNHS, vì không có căn cứ phục hồi theo quy định BLTTHS, không thể giải quyết được vụ án.

Vì vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về Điều 27 BLHS.

Kiến nghị:

1. Điều 27 BLHS cần bổ sung  khái niệm:  Truy cứu trách nhiệm hình sự là  hoạt động khởi tố, truy tố và xét xử người phạm tội.

2. Bỏ nội dung quy định không cần thiết: Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. 

(Bởi theo quy định BLTTHS pháp luật thì đã khởi tố người phạm tội thì mới được ra lệnh truy nã người phạm tội đó)

3. Bổ sung quy định: Thời hiệu TCTNHS được tính đối với bị can, bị cáo nếu không có hoạt động tố tụng nào của cơ quan tố tụng trong thời hạn nêu trên.

Vấn đề xác định một người có còn thời hiệu truy cứu TNHS hay không rất quan trọng. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu hướng dẫn, sửa đổi Điều 27 BLHS cho phù hợp.

                                                                                                                            Phạm Thị Yến – Phòng 7
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây