Bàn về quy định việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và vướng mắc của Luật THA hình sự

Chủ nhật - 05/05/2024 04:51
1. Quy định việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
 Việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là một chế định trong Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự được áp dụng đối với người được hưởng án treo, chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có đủ điều kiện theo quy định Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Để đảm bảo không vi phạm quyền, lợi ích của người được hưởng án treo, chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nên việc xét miễn giảm phải có căn cứ, cần thiết, đúng quy định của pháp luật. Tính có căn cứ, cần thiết, đúng quy định của pháp luật ở chỗ chỉ được áp dụng đối với người được hưởng án treo phải chấp hành nghiêm các quy định Điều 65 của BLHS và Điều 87 Luật THAHS quy định:“1. Có mặt theo giấy triệu tập  và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này.
5. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
6. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Điều 89 Luật THAHS “1. Người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;
b) Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng...”.
Đối với xét giảm chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quy định Điều 63 của BLHS.  Điều 102 Luật THAHS quy định. Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
“1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng.
3. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
4. Người chấp hành án đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
5. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy còn có những vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể:
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật THAHS. Thành phần Hội đồng, gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp, tuy nhiên Luật THAHS không có quy định về Thư ký của phiên họp, ngoài ra các Thông tư liên tịch số 03/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11/10/2021; Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11/10/2021 và các văn bản có liên quan cũng không quy định: Trường hợp 01 trong 03 thành viên của Hội đồng và Thư ký phiên họp vắng mặt không tham gia phiên họp được thì xử lý như thế nào? Có hoãn phiên họp hay không? Nếu hoãn phiên họp thì căn cứ vào quy định nào, hiện nay chưa có quy định về căn cứ hoãn, thời hạn hoãn phiên họp và chưa có biểu mẫu về việc hoãn phiên họp.
Thứ  hai: Tại khoản 4 Điều 90 THAHS, quy định: ...4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách....”. Tại khoản 4 Điều 103 THAHS, quy định: “.... 4. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ...
Với quy định trong thời hạn 07 ngày phải thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp có nghĩa là công tác chuẩn bị để tổ chức 01 phiên họp xem xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo và xét giảm chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, nhưng điều luật không quy định cụ thể về thời hạn bao nhiêu ngày phải mở phiên họp; thời hạn thông báo cho VKS để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Mặt khác, Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP - TANDTC quy định rất cụ thể về việc ngày phân công Thẩm phán, ấn định ngày mở phiên họp và thời hạn mở phiên họp, tuy nhiên Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 vẫn còn hiệu lực (chưa có văn bản nào bãi bỏ) nhưng lại mâu thuẫn với Luật THAHS quy định về thời hạn nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về việc áp dụng pháp luật cũng như việc sử dụng biểu mẫu của 02 văn bản này. Nếu quy định như Luật THAHS thời hạn 07 ngày, số lượng hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo và xét giảm chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nhiều thì thời gian dành cho Thẩm phán, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ không đủ dẫn đến việc giải quyết không đảm bảo quy định của pháp luật.
2. Vướng mắc của Luật THA hình sự
Theo quy định tại Điều 22. Quyết định thi hành án phạt tù; Điều 77 Quyết định thi hành án tử hình; Điều 84 Quyết định thi hành án treo; Điều 96 Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, đều quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án phải gửi Quyết định thi hành án cho ...VKS cùng cấp. Tuy nhiên, điều luật không quy định Tòa án phải gửi bản án hình sự, thời hạn gửi bản án hình sự cho VKS dẫn đến Tòa án không gửi bản án hình sự cho VKS nên không có căn cứ để kiểm sát Quyết định thi hành án hình sự có đúng quy định của pháp luật không. 
3. Kiến nghị: cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung Luật thi hành án hình sự nội dung:
- Bổ sung thêm vào Luật THAHS quy định về thời hạn phải mở phiên họp; thời hạn thông báo cho VKS để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp như quy định  Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP - TANDTC  
- Bổ sung thêm quy định vào Luật THAHS quy định Hội đồng và Thư ký phiên họp vắng mặt không tham gia phiên họp được thì hoãn phiên họp; căn cứ hoãn phiên họp; thời hạn hoãn phiên họp. Đồng thời Tòa án tối cao cần bổ sung biểu mẫu hoãn phiên họp.
- Bổ sung thêm quy định vào các điều luật tương ứng của Luật THAHS: Tòa án phải gửi bản án hình sự kèm theo Quyết định thi hành án hình sự cho VKS.
                                                                                        Nguyễn Quang Đại - Viện KSND huyện Ninh Giang
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây