Trong thời gian vừa qua, các vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định trong công tác thi hành án dân sự xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự còn rất khiêm tốn, chưa phản ánh được hết thực trạng vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự hiện nay. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự thời gian qua vẫn chưa phát huy hiệu quả, việc phòng ngừa, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý kịp thời. Nguyên nhân một phần do một số quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự còn có những hạn chế nhất định, chưa thống nhất. Tác giả xin đưa ra một tình huống cụ thể để quý đồng nghiệp và độc giả cùng trao đổi:
Theo nội dung Quyết định thi hành án của Chi cục THADS huyện T, tỉnh H: Buộc ông A, bà B có trách nhiệm mở cho bà C một lối đi ra đường công cộng có diện tích 13m2 thuộc thửa đất số 118A, tờ bản đồ số 8, có Giấy CNQSD đất mang tên ông A. Buộc ông A, bà B có trách nhiệm tháo dỡ một lán xát gạo và lán tôn đi kèm trên phần lối đi tập thể và lán tôn trên thửa đất 118A để mở lối đi cho bà C.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục THADS huyện, Viện KSND huyện đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương đến gia đình ông A, bà B để động viên, thuyết phục nhưng ông A, bà B không tự nguyện thi hành, cố tình chống đối. Do vậy, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 71, 117, 118 Luật Thi hành án dân sự: “Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc nhất định” đối với ông A, bà B và yêu cầu ông A, bà B tháo dỡ công trình, mở lối đi cho bà C nhưng nhưng ông A, bà B vẫn không thực hiện.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự thì “Trường hợp thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án” và Điểm a, khoản 1 Điều 163 Luật Thi hành án dân sự quy định về thẩm quyền xử phạt là “Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án”. Theo đó, Chấp hành viên có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với ông A, bà B.
Tuy nhiên, khi tiến hành xử phạt, Chấp hành viên lại không thực hiện được quyền trên vì vướng mắc khi áp dụng quy định phạt tiền tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cụ thể: Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ thì đối với hành vi vi phạm hành chính không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định thì bị phạt tiền ở mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; mà mức phạt tiền này theo điểm b, khoản 4 Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính thì thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, không phải thẩm quyền của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.
Theo quan điểm của tác giả, cần thiết phải sửa đổi quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mức tiền xử phạt của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục THADS lên đến 5.000.000 đồng để phù hợp với quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 và Luật Thi hành án dân sự, giúp cho việc xử lý được thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian do phải đề nghị cấp trên quyết định xử phạt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác thi hành án dân sự.
Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống pháp lý nêu trên, mong nhận được sự trao đổi từ quý đồng nghiệp và độc giả./.
Hoàng Minh Hiếu
VKSND huyện Thanh Miện