- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật Hôn nhân và gia đình không cấm việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xử lý hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn“ Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Đồng thời, khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Vậy nếu thụ lý vụ án ly hôn (không có tranh chấp về nuôi con và chia tài sản chung) mà nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có thuộc trường hợp không được hòa giải theo Điều 206 BLTTDS hay không? Hiện nay có 02 quan điểm khác nhau, cụ thể:
Hình ảnh mang tính minh họa, nguồn internet
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định của pháp luật nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì không có giá trị pháp lý. Do đó, Tòa án không phải tiến hành hòa giải vì hòa giải không có ý nghĩa gì trong vụ án này.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án phải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật. Bởi vì, trường hợp này không thuộc trường hợp không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 BLTTDS quy định những trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải “1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; 2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của Luật hoặc trái đạo đức xã hội”.
Tác giả đồng quan điểm với quan điểm thứ nhất là Tòa án không phải tiến hành hòa giải. Bởi vì: Nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, mặc dù một bên yêu cầu ly hôn, một bên không đồng ý cũng cần phải xác định đây không phải là tranh chấp. Vì có tranh chấp chỉ đặt ra giữa các bên có quyền và nghĩa vụ đối với nhau nhưng không thống nhất được việc giải quyết. Và việc hòa giải chỉ đặt ra giữa các bên có quyền và nghĩa vụ đối với nhau mà giữa các bên có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ hoặc không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ nhưng pháp luật quy định phải hòa giải (ví dụ như yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn). Ở đây, giữa nam, nữ tuy chung sống với nhau như vợ chồng nhưng do không đăng ký kết hôn nên giữa họ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, vấn đề hòa giải không đặt ra nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn.
Việc Tòa án tiến hành hòa giải hay không hòa giải trong trường hợp trên là một thủ tục quan trọng trong vụ án Hôn nhân gia đình nên rất mong sớm được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn pháp luật về nội dung này.
Nguyễn Ánh Dương VKSND huyện Cẩm Giàng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.