- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ví dụ: A, B và C là bạn bè quen biết. Ngày 18/5/2023, A rủ B mua ma túy về để đến phòng trọ của C cùng sử dụng, B đồng ý đưa tiền cho A và cùng A đi mua ma túy. Sau đó, A và B mang ma túy về phòng trọ của C thì gặp C và D, A rủ C và D cùng sử dụng ma túy. Tại phòng trọ của C, A và C là người chuẩn bị các dụng cụ (chai nhựa, ống hút, bật lửa,…) để phục vụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy. A là người hút ma túy đầu tiên qua ống hút, rồi lần lượt đưa choD, B và C sử dụng ma túy trong coóng, ngay sau đó bị bắt quả tang, thu giữ vật chứng. Tại Kết luận giám định xác định: Chất tinh thể màu trắng bám dính bên trong coóng thủy tinh là ma túy, loại Methamphetamine.Kết quả xét nghiệm A, B, C và D đều dương tính với chất ma tuý, loại Methamphetamine.
Có 02 quan điểm xử lý đối với tình huống trên như sau:
Quan điểm thứ nhất: A, B, C phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự. Lý do:
Căn cứ nội dung hướng dẫn tại mục 2, công văn số 4640/VKSTC-V14 ngày 02/12/2022 của vụ 14 Viện KSND tối cao phúc đáp công văn số 191/BC/VKS-P7 ngày 12/9/2022 của Viện KSND tỉnh Hải Dương đề nghị hướng dẫn, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, nội dung: Tình tiết “đối với 02 người trở lên” áp dụng trong trường hợp trong 01 lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức cho 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là các đối tượng không có hành vi đồng phạm với người phạm tội (người chủ mưu, cầm đầu và đồng phạm khác) và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tình huống trên, A, B và C là đồng phạm đều bị truy cứu trách nhiệm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chỉ có D là người được thụ hưởng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, A, B và C chỉ đồng phạm Tổ chức cho 01 người là D sử dụng trái phép chất ma túy nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ 2: A, B và C phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung phạm tội “đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự. Lý do:
Căn cứ nội dung Công văn số 20/VKSTC-V4 ngày 04/01/2023 của vụ 4 Viện KSNDTC phúc đáp Viện KSND tỉnh Nghệ An về việc áp dụng tình tiết phạm tội đối với 02 người trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS, hướng dẫn: Theo đó, để xác định phạm tội “đối với 02 người trở lên” thì phải xác định người phạm tội đã tổ chức cho 02 người khác (không bao gồm bản thân người phạm tội) sử dụng trái phép chất ma túy. Trường hợp có nhiều người bị truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm thì phải căn cứ xác định số người sử dụng ma túy ít nhất từ 02 người trở lên (không bao gồm bản thân người phạm tội) và 02 người trở lên sử dụng ma túy này có thể là không phạm tội hoặc đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên”.
Do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất nên dẫn đến cách xử lý khác nhau đối với các tình huống tương tự như trên. Cá nhân tôi cho rằng quan điểm thứ 2: A, B và C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung phạm tội “đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 255 BLHS là có căn cứ. Vì:
Tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, tiểu mục 6.1, mục 6, phần II, quy định: 6. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197)
6.1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Đồng thời, tiểu mục 2.4, mục 2, phần I của Thông tư 17 quy định:
2.4. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy…).
Tuy Thông tư 17/2007 nêu trên đã hết hiệu lực tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản giải thích tình tiết phạm tội “đối với 02 người trở lên” quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự năm 2015, nên có thể áp dụng tương tự hướng dẫn của Thông tư 17 đối với tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 Điều 197 BLHS năm 1999 để xử lý là đúng theo quy định của pháp luật.
Trong ví dụ trên, A là người khởi xướng việc mua ma túy và rủ B, C và D cùng sử dụng. B là người cùng với A chuẩn bị ma túy, chuẩn bị các công cụ để phục vụ cho cả 04 người (A, B, C và D) sử dụng ma túy. C là người chuẩn bị công cụ, địa điểm để các đối tượng cùng sử dụng ma túy. Do đó, A, B và C cùng đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo tinh thần của Thông tư 17, việc A, B và C chuẩn bị ma túy, địa điểm, công cụ để đưa chất ma túy vào cơ thể của những người còn lại (ví dụ A đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể B, C và D,…) là hành vi phạm tội “đối với 02 người trở lên”.
Tuy nhiên, do hiện nay chưa có hướng dẫn thống nhất đối với tình tiết định khung nêu trên dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, mong mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Hiên –VKSND huyện Nam Sách |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.