Bàn về tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự thú” quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự

Thứ năm - 16/05/2024 03:38
Viện KSND TP Hải Dương vừa THQCT, KSXX vụ án Nguyễn Tiến D. phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự. Theo đó, từ ngày 03/08/2023 đến ngày 14/09/2023 mặc dù không có điện thoại để bán nhưng Nguyễn Tiến D. đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook gian dối đăng bán điện thoại để thực hiện 04 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 04 người bị hại với tổng số tiền 128.900.000 đồng, trong đó: chiếm đoạt của anh Trần Đình Th. số tiền 89.600.000 đồng, chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị L. số tiền 21.300.000 đồng, chiếm đoạt của anh Nguyễn Viết H. số tiền 1.000.000 đồng và chiếm đoạt của anh Nguyễn Quốc Đ. số tiền 17.000.000 đồng.
Trong vụ án này, bị cáo D. bị khởi tố về 02 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Trần Đình Th. và chị Nguyễn Thị L. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cho bị cáo giải trình sao kê tài khoản ngân hàng mà bị cáo sử dụng, bị cáo đã tự khai nhận thêm 02 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Quốc Đ. và anh Nguyễn Viết H.
Quan điểm thứ nhất:
Điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:“Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”.
Vận dụng hướng dẫn tại mục 7 phần I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao thì:“Tự thú” là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện”
Đối chiếu với các quy định này thì việc bị cáo tự khai nhận thêm 02 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Quốc Đ. và anh Nguyễn Viết H. khi anh Đ. và anh H. chưa trình báo, Cơ quan điều tra chưa phát hiện ra các hành vi phạm tội này của bị cáo, do đó việc bị cáo tự khai ra các hành vi này được coi là “tự thú”quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai:
Sau khi Cơ quan điều tra cho bị cáo giải trình các số tài khoản, bị cáo khai ra các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Quốc Đ. và anh Nguyễn Viết H. là hành động thật thà khai báo giúp cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi từ việc bị cáo tự khai ra hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Quốc Đ. và anh Nguyễn Viết H thì cơ quan điều tra mới phát hiện được, nếu bị cáo chối hoặc nại ra lý do nào đó để giải trình khi sao kê tài khoản thì CQĐT cũng khó mà phát hiện được. Nếu đánh giá việc bị cáo tự khai nhận thêm 02 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Quốc Đ. và anh Nguyễn Viết H. không phải là tự thú mà chỉ là thành khẩn khai báo là bất lợi cho bị cáo./.
                                                             Trần Thị Hải Yến
VKSND TP Hải Dương
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây