Bàn về vấn đề hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức

Thứ hai - 17/04/2023 23:55
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chẩm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự.Hợp đồng vô hiệu là một hợp đồng không tồn tại theo luật, không có giá trị pháp lý, không có giá trị bắt buộc thực hiện, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên tham gia hợp đồng từ thời điểm xác lập.
HD vo hieu
HD vo hieu

Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng mà pháp luật không thừa nhận, không có giá trị ràng buộc đối với các bên giao kết. Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý mà các bên đã cam kết trong hợp đồng.

Hình thức hợp đồng là sự biểu hiện nội dung ra bên ngoài của bản hợp đồng, gồm tổng hợp các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên giao kết hợp đồng, ghi nhận nội dung của hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng không chỉ là hình thức thể hiện nội dung của hợp đồng mà còn là những thủ tục mà pháp luật quy định bắt buộc các bên giao kết hợp đồng phải tuân thủ khi giao kết một số loại hợp đồng. Hình thức của hợp đồng có thể được giao kết bằng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo các hình thức nhất định thì phải tuân theo các quy định đó nếu không tuân theo quy định sẽ bị coi là vô hiệu trừ các trường hợp quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sự.   

        Điều 117 Bộ luật dân sự quy định “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự….”

        Điều 119 Bộ luật dân sự quy định “Hình thức của giao dịch dân sự “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải tuân theo quy định đó”

        Điều 129 Bộ luật Dân sự quy định “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

          1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; 

          2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

 

Hình thức của hợp đồng là phương tiện thể hiện nội dung của hợp đồng. Có hai trường hợp hợp đồng được coi là không tuân thủ về hình thức đó là: Hình thức văn bản không đúng quy định của pháp luật và hình thức văn bản vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định này đã bộc lộ những khó khăn nhất định, cụ thể:

Thứ nhất:  Không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức. Điều 129 BLDS năm 2015 không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức và khi nào thì hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà chỉ quy định về hình thức bắt buộc của một số loại hợp đồng như: Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật…Thực tễn cho thấy một số văn bản pháp luật chuyên ngành cũng đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc như: Luật Xây dựng quy định hợp đồng xây dựng phải có ít nhất 14 nội dung như khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật của công việc, thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng… hay Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có 12 nội dung gồm giá, phương thức và thời hạn thanh toán, thời hạn giao, nhận bất động sản… Trường hợp hợp đồng không có đầy đủ các nội dung bắt buộc trên thì có thể xem đã vi phạm điều kiện về hình thức của hợp đồng hay không.

Thứ hai: khoản 1 Điều 129 BLDS đề cập các hợp đồng đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật và khoản 2 Điều 129 BLDS thể hiện các hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực. Hai khoản này khác nhau như thế nào thì khó xác định bởi lẽ  khoản 2 Điều 119 BLDS quy định về hình thức của hợp đồng chỉ ghi nhận hai hình thức phải tuân thủ là văn bản có công chứng, chứng thực với nội dung: “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải tuân theo quy định đó”.

Thứ ba: Theo quy định của Điều 129, hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức nhưng “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Quá trình thực hiện hợp đồng cho thấy, có rất nhiều dạng nghĩa vụ như: nghĩa vụ tài sản, nghĩa vụ phi tài sản …  Vì vậy, cần phải làm rõ việc xác định nghĩa vụ chỉ là nghĩa vụ tài sản hay phải bao gồm tất cả các nghĩa vụ mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Khi trong hợp đồng vừa có nghĩa vụ tài sản vừa có nghĩa vụ phi tài sản; một bên phải thực hiện nghĩa vụ tài sản vừa phải thực hiện nghĩa vụ phi tài sản (như thực hiện thủ tục sang tên…), hoặc các bên đều chỉ có nghĩa vụ phi tài sản thì dựa vào tiêu chí gì để được coi là đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ.

Thực tiễn giải quyết trong thời gian qua, việc Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu về hình thức ngày càng nhiều, khi áp dụng khoản 2 Điều 117 BLDS hiện nay còn có nhiều cách giải thích khác nhau: Thứ nhất cần hiểu chỉ khi nào luật có quy định. Ví dụ, “hợp đồng có hiệu lực khi được công chứng chứng thực” trong trường hợp này nếu không công chứng chứng thực thì xem là vi phạm điều kiện hình thức. Các hợp đồng này phổ biến trong các giao dịch liên quan đến bất động sản như nhà ở, quyền sử dụng đất… Thứ hai: cần hiểu là chỉ cần có quy định: hợp đồng phải được xác lập bằng văn bản hoặc hợp đồng là văn bản phải có công chứng, chứng thực. Nếu các bên không xác lập bằng văn bản hay không công chứng chứng thực thì được xem là vi phạm điều kiện hình thức của hợp đồng.

Theo quan điểm của tác giả việc quy định hình thức là điều kiện bắt buộc trong một số loại hợp đồng là không hợp lý. Bởi lẽ, hình thức hợp đồng thực chất chỉ là sự thể hiện ý chí của các bên tham gia hợp đồng theo các ký tự bằng mực đen, giấy trắng; trong khi đó việc công chứng nhà nước chứng nhận hay chứng thực, đăng ký hoặc cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực chất là xác nhận sự kiện pháp lý giữa các bên. Khi có tranh chấp xảy ra, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có sự kiện này. Pháp luật quy định vi phạm hình thức dẫn tới hợp đồng vô hiệu thì sẽ tạo nên một khoảng cách nhất định giữa sự thống nhất ý chí thực và hiệu lực của hợp đồng. Mặt khác, trong thực tiễn giải quyết nhận thấy pháp luật quy định một số loại hợp đồng phải tuân thủ các quy định về hình thức, nếu các chủ thể tham gia hợp đồng không tuân thủ sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu không phù hợp tình hình hiện nay. Cần có những quy định, hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn nữa để áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch dân sự và phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.

                                                    Vũ Thị Lệ, Nguyễn Thị Hương
VKSND thành phố Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây