- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại khoản 2 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
“2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.
Với quy định của điều luật được hiểu là phân chia vụ án hình sự ra thành hai vụ án trở lên để tiến hành điều tra. Thực tế cho thấy, vụ án có đối tượng có liên quan chưa đủ căn cứ khởi tố bị can nhưng Cơ quan điều tra chỉ tách hành vi của đối tượng đó trong vụ án.
Ví dụ sau là một minh chứng: Do cần tiền tiêu xài cá nhân nên khoảng 7 giờ, ngày 01/3/2020 Vũ Đăng H có rủ Hoàng Văn B đi sang địa bàn huyện NG, để trộm cắp xe máy bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. B nhất trí và lấy xe mô tô nhãn hiệu Wave màu trắng, không rõ biển số chở H, mang theo vam phá khóa xe máy. Khoảng 8 giờ 30 cùng ngày H và B đi qua trạm y tế xã ĐX - huyện NG, H nhìn thấy một chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Airbalde, biển số 34E1 - 093.07 của ông Ngô Duy Đ dựng ở lán xe, B dừng xe mô tô để H xuống trộm cắp xe mô tô, khi lấy được xe mô tô H nổ rồi điều khiển xe mô tô trộm cắp được bỏ chạy. Khi phát hiện thấy bị mất xe mô tô ông Ngô Duy Đ đã trình báo Cơ quan CSĐT - Công an huyện NG. Nhận được tin báo Cơ quan CSĐT - Công an huyện NG đã truy đuổi và bắt giữ H cùng tang vật. Còn Hoàng Văn B đã điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Wave màu trắng bỏ chạy Cơ quan điều tra không bắt giữ được.
Với ví dụ trên thì có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Sau khi kết thúc điều tra chưa chứng minh được hành vi phạm tội của Hoàng Văn B thì nêu trong Bản kết luận điều tra: Tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của Hoàng Văn B để xử lý sau, chứ không ra quyết định tách vụ án hình sự.
Quan điểm thứ hai: Sau khi kết thúc điều tra chưa chứng minh được hành vi phạm tội của Hoàng Văn B thì phải ra Quyết định định tách vụ án hình sự với hành vi của đối tượng Hoàng Văn B (chưa là bị can) và ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau này chứng minh được hành vi phạm tội của Hoàng Văn B thì Cơ quan điều tra phục hồi vụ án để xử lý đối với Hoàng Văn B.
Theo quan điểm của chúng tôi, thấy vướng mắc với 2 quan điểm trên, vì các lý do sau:
- Nếu áp dụng quan điểm thứ 1 thì nếu không tách thì vụ án đó đã được xét xử rồi nếu sau này làm rõ được hành vi phạm tội của Hoàng Văn B thì không còn vụ án để điều tra, truy tố, xét xử.
- Nếu áp dụng quan điểm thứ 2 thì:
Thứ nhất: Khoản 2 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 04 ngày 19/10/2018 của Viện KSND tối cao - Bộ Công an - Bộ quốc phòng chưa có quy định về tách vụ án hình sự khi chưa có quyết định khởi tố bị can.
Thứ hai: Nếu tách vụ án không có bị can là không đúng tinh thần của khoản 2 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 04 ngày 19/10/2018 của Viện KSND tối cao - Bộ Công an - Bộ quốc phòng, quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tung hình sự và mẫu số 104 của Thông tư số 61 ngày 14/12/2017 của Bộ công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự. Trong mẫu số 104 phần Quyết định có nội dung:” Tách hành vi ...của bị can theo Quyết định khởi tố bị can số...”.
Đây là vướng mắc mà thực tiễn Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự mà chúng tôi đã gặp phải. Đề nghị liên ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật để xử lý thống nhất.
Trên đây là một số nội dung bàn về việc tách vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự cùng trao đổi với các đồng chí.
Nguyễn Quang Đại VKSND huyện Ninh Giang |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.