Bàn về việc thực hiện chính sách hình sự theo khoản 6 Điều 134 BLHS - Tội cố ý gây thương tích

Thứ sáu - 11/06/2021 04:12

Bàn về việc thực hiện chính sách hình sự theo khoản 6 Điều 134 BLHS - Tội cố ý gây thương tích

Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) quy định về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có điểm mới so với các BLHS trước đây về hành vi chuẩn bị phạm tội, cụ thể: Tại khoản 6 Điều 134/BLHS quy định: 6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Theo quy định của điều luật và hướng dẫn tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao thì quy định tại khoản 6 Điều 134/BLHS không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: Vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.

Theo quy định tạikhoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự về việc Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại, thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Bộ luật tố tụng hình sự không quy định việc khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS phải theo yêu cầu của bị hại, hay nói cách khác việc khởi tố vụ án để xử lý tội phạm theo khoản 6 Điều 134 BLHS không cần yêu cầu của người bị hại.

Vấn đề đặt ra, người có hành vi thỏa mãn các dấu hiệu về mặt hành vi khách quan quy định tại khoản 6 Điều 134/BLHS, đồng thời người đó cũng đã thực hiện hành vi gây ra hậu quả thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm quy định tại khoản 1 Đ134/BLHS, thì việc xử lý trên thực tiễn hiện nay cũng còn có nhiều bất cập,chưa đảm bảo nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ: Do có mâu thuẫn từ trước với B, nhóm của A gồm nhiều người bàn bạc chuẩn bị các loại hung khí như búa đinh, dao phay, kiếm, tuýp sắt nhằm mục đích tấn công gây thương tích cho B để hả giận. Sau khi tìm thấy B, nhóm của A đã dùng hung khí nguy hiểm đem theo đánh B gây thương tích 10% sức khỏe. 

Như vậy nhóm của A đã thực hiện các hành vi khách quan vừa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm theo khoản 6 Điều 134/BLHS, vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm theo khoản 1 Điều 134/BLHS. So sánh giữa khoản 1 và khoản 6 Điều 134/BLHS thì khoản 1 Điều 134/BLHS có khung hình phạt nặng hơn (phạt tù đến 3 năm). Về nguyên tắc phải xử lý theo khung hình phạt nặng hơn nếu hành vi khách quan thỏa mãn, tuy nhiên người bị hại là anh B không yêu cầu khởi tố thì không thể khởi tố để xử lý nhóm của A theo khoản 1 Điều 134/BLHS được. Vậy có thể khởi tố nhóm của A theo khoản 6 Điều 134/BLHS để xử lý hay không (nếu anh B không yêu cầu khởi tố)? hoặc sau khi khởi tố theo khoản 1 Điều 134/BLHS, anh B rút đơn thì có chuyển sang xử lý theo khoản 6 Điều 134/BLHS hay không, hay phải đình chỉ vụ án và xử lý hành chính?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, vụ việc trên cần phải khởi tố và xử lý đối với nhóm đối tượng A theo khoản 6 Điều 134/BLHS để đảm bảo sự công bằng và chính sách hình sự trong việc xử lý trách nhiệm hình sự, bởi lẽ:

Thứ nhất: Trong ví dụ trên, trường hợp nhóm của A khi đang trên đường đi đánh B thì bị phát hiện và được ngăn chặn kịp thời, mặc dù hậu quả chưa xảy ra, nhưng hành vi của các đối tượng đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để khởi tố và xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 134/BLHS. Trường hợp này không cần B có đơn yêu cầu khởi tố hay không, nhóm của A vẫn phải bị khởi tố để xử lý. Do đó việc nhóm A có hành vi đánh anh B gây thương tích, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn, nhưng chỉ vì anh B không yêu cầu khởi tố mà hành vi nguy hiểm hơn của nhóm A lại không bị khởi tố hình sự để xử lý là không đảm bảo chính sách hình sự trong phân hóa tội phạm. 

Thứ hai: Thực tiễn hiện nay nhiều vụ án Cố ý gây thương tích được khởi tố theo khoản 1 Điều 134/BLHS, quá trình điều tra, người bị hại do được bồi thường hoặc bị đe dọa đã rút đơn yêu cầu khởi tố (không loại trừ việc người bị hại lợi dụng cố tình đưa ra mức bồi thường cao, các bị can vì không muốn bị xử lý hình sự nên buộc phải chấp nhận), vụ án được đình chỉ, người phạm tội không bị xử lý mặc dù hành vi thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 6 Điều 134/BLHS. Điều này dẫn đến mất tính công bằng trong chính sách hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm hơn không bị xử lý - còn người chưa gây ra hậu quả lại bị xử lý. 

Thứ ba: Việc không xử lý nhóm của A theo khoản 6 Điều 134/BLHS không đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, nhất là các tội phạm mang tính băng nhóm, xã hội đen, tội phạm có tổ chức …..…

Kiến nghị: Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn để đảm bảo tính công bằng, sự nghiêm minh về pháp luật. Cụ thể: Trong trường hợp nêu trên, nếu người bị hại B không yêu cầu khởi tố, nhóm của A phải bị xử lý theo khoản 6 Điều 134/BLHS, nếu B có đơn yêu cầu khởi tố thì nhóm của A phải bị xử lý nghiêm khắc hơn theo khoản 1 Điều 134/BLHS.

                                                                         Lưu Mạnh Hùng
VKSND thành phố Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây