Bất cập khi xử lý tài sản chung trong thi hành án dân sự

Thứ tư - 03/01/2024 20:22
1. Quy định của pháp luật về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án
Điều 207 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất”. Theo Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008) và Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015), việc xử lý tài sản chung để thi hành án được chia thành 02 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
Nếu tài sản chung gồm tài sản là quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng và tài sản là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên có nghĩa vụ xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hay xác định phần sở hữu, sử dụng đất theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Sau khi xác định, Chấp hành viên phải thông báo cho vợ, chồng hay các thành viên trong hộ gia đình biết.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, các thành viên trong hộ gia đình không thống nhất thì được quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung. Hết thời hạn 30 ngày mà không có người yêu cầu thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Trường hợp thứ hai: Tài sản thuộc quyền sở hữu chung còn lại theo pháp luật (sở hữu chung hỗn hợp...).
Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau 30 ngày, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để họ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản… theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, thực tế Chấp hành viên chỉ vận dụng Điều 24 Nghị định số 62/2015 để xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án (trường hợp thứ nhất), mà không phân biệt rõ phần tài sản thuộc quyền sở hữu chung còn lại theo pháp luật để xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án theo điểm b khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008 (trường hợp thứ hai). Điều 74 Luật THADS năm 2008 cũng chưa quy định cụ thể về quyền yêu cầu phân chia của các đồng sở hữu, người được thi hành án và Chấp hành viên.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008 chưa quy định thời gian cụ thể để Chấp hành viên ra văn bản thông báo cho người được thi hành án. Điều luật chỉ quy định chung là “sau thời gian 30 ngày…”. Trong thực tiễn, có Chấp hành viên kéo dài thời hạn ra thông báo, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong thi hành án, nhưng không có căn cứ, chế tài để kiến nghị, yêu cầu Chấp hành viên thực hiện.
Thứ hai, theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật THADS năm 2008 là một trong những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đồng thời, khái niệm, phạm vi về yêu cầu và khởi kiện được quy định cụ thể trong pháp luật hình thức. Trong đó, khởi kiện là thủ tục ban đầu để hình thành một vụ án; còn yêu cầu là thủ tục ban đầu để phát sinh một việc dân sự. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 lại quy định: “Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản...” là chưa phù hợp.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để hạn chế phát sinh tranh chấp dân sự, đảm bảo việc giải quyết các vụ án dân sự cũng như tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến trách nhiệm dân sự được thuận lợi, tác giả kiến nghị:
 Nghị định số 62/2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Điểm c khoản 2 Điều 24 cần thay đổi cụm từ “khởi kiện” thành “yêu cầu” để đảm bảo đúng thuật ngữ pháp lý trong trường hợp xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của pháp luật; quy định giới hạn thời gian Chấp hành viên phải thực hiện nghĩa vụ thông báo việc xác định phân chia giá trị quyền sử dụng đất của bên phải thi hành án cho bên được thi hành án.
                                                                      Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây