- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên;”
Nhìn vào quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 chúng ta có thể thấy bất cập trong việc quy định hậu quả xảy ra và khung hình phạt áp dụng. Cụ thể như sau:
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A phạm tội: Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, hậu quả làm chết 01 người, bị thương 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ví dụ 2: Nguyễn Văn B phạm tội: Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, hậu quả làm bị thương 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người là 61% (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 02 người là 122%), B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.
Qua 02 ví dụ trên cho thấy, hậu quả do A và B gây ra đều làm bị thương 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%, ngoài ra A còn làm chết 01 người, B làm bị thương 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%. Như vậy hậu quả do A gây ra (làm chết 01 người, bị thương 01 người tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%) lớn hơn, nghiêm trọng hơn so với hậu quả do B gây ra (bị thương 02 người, tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người 61%), tuy nhiên khung hình phạt đối với A lại nhẹ hơn khung hình phạt đối với B, điều này là trái với nguyên tắc của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy rõ bất cập quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015
Ví dụ 3: Nguyễn Văn C phạm tội: Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, hậu quả làm chết 02 người, làm bị thương 03 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 200%. C bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ, e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.
Ví dụ 4: Nguyễn Văn D phạm tội: Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, hậu quả làm bị thương 03 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201%. D bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
Qua 02 ví dụ trên cho thấy, hậu quả do C gây ra (làm chết 02 người, bị thương 03 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 200%) lớn hơn, nghiêm trọng hơn so với hậu quả do D gây ra (bị thương 03 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 201%). (Hậu quả 02 người chết do C gây ra nghiêm trọng hơn hậu quả tăng thêm 201% - 200% = 01% do D gây ra), tuy nhiên khung hình phạt đối với C lại nhẹ hơn khung hình phạt đối với D, điều này là trái với nguyên tắc của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam mỗi năm cướp đi sinh mạng khoảng 10.000 người, hậu quả do tai nạn giao thông gây thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho xã hội. Để ngăn chặn tình trạng giao thông ngày càng gia tăng hiện nay thì việc hoàn thiện các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh người gây tai nạn giao thông là việc làm hết sức cần thiết. Từ những bất cập trong quá trình thi hành Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 như nêu trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự hoặc các cơ quan tư pháp Trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, nhằm đảm bảo nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là hậu quả người phạm tội gây ra phải tương xứng với trách nhiệm hình sự của người đó phải gánh chịu./.
Nguyễn Quang Hóa VKSND huyện Gia Lộc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.