"Bắt" trước hay "tạm giữ" trước ?

Thứ hai - 24/06/2019 02:45

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực và được thực hiện từ hơn một năm nay, nhưng việc thực hiện Điều 110 của nhiều Cơ quan điều tra vẫn còn có vấn đề cần phải điều chỉnh.

Hiện nay đang có nhiều Cơ quan điều tra ngay sau khi ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp liền ra Quyết định tạm giữ đối với đối tượng rồi sau đó mới ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp chuyển cho VKS phê chuẩn. Như vậy, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp hầu như không có tác dụng trong thực tế. Trong khi đó, quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp khác với tạm giữ, như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp chưa phải đưa vào Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, quyền công dân chưa bị hạn chế nhiều như trường hợp tạm giữ. Có trường hợp do cơ quan chuyển văn bản đề nghị và hồ sơ sang VKS chậm nên người đó bị tạm giữ gần 24 giờ mới được VKS phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Như vậy trong trường hợp này, về thực tế công dân đã bị bắt, giữ tố tụng, nhiều giờ trước khi có sự phê chuẩn của VKS.

Việc làm như trên không khác gì việc làm theo Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003-bắt, giữ rồi sau đó mới có sự phê chuẩn Lệnh bắt khẩn cấp của VKS.

Điều đó là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 cũng như nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định:

" Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định."

Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này..."

Cũng theo các quy định trên thì việc bắt phải thực hiện trước, sau đó mới là giữ, giam theo tố tụng. Như vậy, các cơ quan điều tra làm sai cả về trình tự công việc phải thực hiện.

Nguyên nhân của việc làm đó, theo tìm hiểu của chúng tôi là do các Cơ điều tra chưa nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và chưa được hướng dẫn của các Cơ quan Trung ương. Mặt khác thiết kế của Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa chuẩn xác vì có câu: " Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp...phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ...Lệnh bắt người bị giữ...phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn...", dẫn đến cách hiểu sai là: tạm giữ làm trước, rồi làm lệnh bắt và đề nghị VKS phê chuẩn sau. Theo quy định tại K6 Điều 110 BLTTHS VKS phải phê chuẩn trong vòng 12 giờ sau khi nhận được đề nghị và hồ sơ tài liệu.

Những việc làm như trên của các Cơ quan điều tra là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy cần phải xem xét thay đổi.

Đề nghị các Cơ quan tư pháp trung ương báo cáo Quốc Hội sửa đổi Luật và thống nhất hướng dẫn đối với các cơ quan tố tụng theo hướng: Chỉ khi nào VKS phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mới được quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

                                                                                                      Nguyễn Văn Đoàn
Phòng 8 - VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây