Cách xử lý vướng mắc về việc bảo quản, giao nhận vật chứng là tiền trong các vụ án hình sự theo quy định pháp luật

Thứ tư - 16/03/2022 22:32

Trong quá trình điều tra truy tố, xét xử và thi hành án việc bảo quản, giao nhận vật chứng là tiền đã được các cơ quan tố tụng thực hiện đầy đủ  theo các quy định pháp luật, phù hợp thực tế, tuy nhiên quá trình thực hiện có trường hợp gặp khó khăn vướng mắc cũng như nhận thức, cách áp dụng khác nhau về quy định pháp luật.

Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015  quy định  về vật chứng thì: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo quy định thì vật  là tiền dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, hay tiền mang dấu vết tội phạm, tiền là đối tượng của tội phạm hoặc  tiền có giá trị chứng minh tội phạm  là vật chứng, nên thực hiện theo các quyđịnh pháp luật liên quan đến bảo quản vật chứng , giao nhận vật chứng.

Theo quy  định tại điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Điều 90.  Bảo quản vật chứng

b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này;

Theo quy  định tại  Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định

Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1.

5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

6..

Quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật thi hành án dân sự 2014 thì:         Trường hợp vật chứngđược bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi có kết quả giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng.

Quy định tại khoản 6 Nghị định số 70/2013/NĐ- CP ngày 2/7/2013 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002 ngày 18/02/2002 của Chính phủ thì:

Điểm d Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Vật chứng là tiền,cần có điều kiện bảo quản đặc biệt được bảo quản như sau:

- Tiền, ….phải được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được phép lưu thông.

(Tuy Nghị định 70/2013 hướng dẫn trước khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời, nhưng không trái quy định BLTTHS và quy định nội dung cụ thể mà BLTTHS không quy định, đến nay chưa có Nghị định nào có nội dung tương tự thay thế Nghị định 70/2013/CP vì vậy nội dung quy định này còn nguyên hiệu lực). 

Với quy định của Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự thì: vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu giữ và chuyển ngay để bảo quản tại kho bạc Nhà nước. Nếu vật chứng là tiền mang dấu vết tội phạm thì phải được niêm phong.

Trong thực tế, Cơ quan điều tra khi thu giữ vật chứng có nghi ngờ là tiền giả (trong các vụ án lưu hành tiền giả, mua bán tiền giả....) thì Cơ quan điều tra  thực hiện đầy đủ việc trưng cầu giám định xác định tiền giả ngay sau khi thu hoặc thu tiền mà có lưu dấu vết tội phạm (nghi  dấu vết vân tay,  máu…) thì niêm phong và trưng cầu giám định về dấu vết đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định Điều 90 BLTTHS và Điều  206 BLTTHS.

Trong vụ án khác có vật chứng là tiền (như tiền thu là vật chứng của vụ án  đánh bạc, ma túy, mại dâm, đưa nhận hối lộ...) thì việc trưng cầu giám định, cách bảo quản vật chứng cũng có nhiều quan điểm  nên mỗi nơi thực hiện khác nhau. Vừa qua Tổng  cục thi hành án   có   Văn bản 2118 ngày 23/6/2021 về việc hướng dẫn nghiệp vụ hướng dẫn Cơ quan thi hành án dân sự: thực hiện đúng khoản 2 Điều 123 Luật thi hành án dân sự           Trường hợp vật chứngđược bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi có kết quả giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng.

Vì vậy, việc chuyển vật chứng sang Cơ quan thi hành án  dân sự có khó khăn do khi Cơ quan điều tra chuyển vật chứng là tiền dưới dạng gói niêm phong (gửi tại kho bạc) nhưng không có kết quả giám định nên Cơ quan thi hành án dân sự không nhận.

Trong phạm vi bài viết này  nghiên cứu trao đổi cách bảo quản, giao nhận vật chứng là tiền thu được trongvụ án  đánh bạc, ma túy, mại dâm, đưa nhận hối lộ... và các vụ án khác có thu được tiền  không liên quan, nghi ngờ tiền giả. 

Trên thực tế, các địa phương có nhiều quan điểm về xử lý và bảo quản vật chứng là tiền thu được trong các vụ án loại trên theo các cách khác nhau:

Quan điểm 1 và cách 1: Khi thu giữ tiền là vật chứng Cơ quan điều tra mà không nghi ngờ tiền giả hoặc có lưu dấu vết tội phạm thì Cơ quan điều tra chỉ lập biên thu giữ tang vật trong đó ghi nhận loại tiền tổng số tiền đã tịch thu, không phải tiến hành giám định. Sau đó gửi số tiền (gửi tiền mặt) là vật chứng đã thu giữ đó vào tài khoản của đơn vị mở tại kho bạc, đảm bảo đúng quy định tiền bảo quản tại kho bạc. Khi có Quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát thì Công an  chuyển khoản số tiền đó sang tài khoản của Cơ quan thi hành án và chuyển giấy tờ thể hiện việc chuyển khoản tiền để đưa vào hồ sơ xét xử. Với cách này  khi gửi tiền vào tài khoản mở tại kho bạc thì đã được cán bộ kho bạc kiểm soát xác định loại tiền và tiền giả nếu có, đảm bảo không cần giám định nhưng tiền là vật chứng đã được phân loại xác định loại tiền (Việt nam hay ngoại tệ) và tiền giả nếu có. Cách này được thực hiện phổ biến ở nhiều địa phương.

Quan điểm thứ 2 và cách 2: Khi thu giữ tiền là vật chứng mà Cơ quan điều tra không nghi ngờ tiền giả hoặc không liên quan đến tội phạm tiền giả thì không thuộc trường hợp phải giám định theo Điều 206 BLTTHS

Sau khi thu giữ, Cơ quan điều tra không gửi vật chứng là tiền mặt vào kho bạc phải niêm phong vật chứng là tiền thành 1 gói và  gửi gói niêm phong vào kho bạc, cụ thể: Vật chứng là tiền trong các vụ án đánh bạc, ma túy, mại dâm....., sau khi thu giữ Cơ quan điều tra kiểm đếm và tiến hành niêm phong tiền trong 1 gói niêm phong (không giám định),  Cơ quan điều tra gửi gói niêm phong vào kho bạc nhà nước. Sau khi Viện kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng thì Cơ quan điều tra lấy gói niêm phong về làm thủ tục chuyển cho Cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự cùng Cơ quan điều tra mở gói niêm phong và kiểm đếm giao nhận tiền (tiền mặt). Cơ quan thi hành án dân sự lại niêm phong số tiền đó và gửi gói niêm phong vào Kho bạc nhà nước. Sau khi  có quyết định thi hành án dân sự về xử lý số tiền sung công quỹ nhà nước,  Cơ quan thi hành án ra kho bạc lấy và mở gói niêm phong, gửi tiền trong gói vào tài khoản, thực hiện việc sung quỹ. Với cách này đảm bảo vật chứng không được lưu thông theo đúng quy định tại Nghị định 70/2013/ CP của Chính phủ, đảm bảo có nguyên vật chứng để  kiểm tra, xem xét, đối chiếu khi cần trong quá trình điều tra, truy tố xét xử.

Quan điểm thứ 3 và cách thứ 3: Theo quy định tại Điều 90 BLTTHS Vật chứng là tiền…. phải được giám định ngay sau khi thu thập, việc giám định này cũng thuộc quy định tại Điều 90 BLTTHS bắt buộc phải giám định …để xác định tiền giả, luật đã quy định thì phải thực hiện nghiêm chỉnh.Cách thực hiện: Cơ quan điều tra sau khi thu giữ tiền đã ra quyết định trưng cầu giám định vật chứng là tiền để xác định tiền thật, tiền giả sau đó niêm phong vật chứng thành gói và  gửi gói niêm phong vào kho bạc. Khi có kết luận giám định lưu hồ sơ và sao 1 bản. Sau khi Viện kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng thì Cơ quan điều tra lấy gói niêm phong và bàn giao gói niêm phong cho Cơ quan thi hành án dân sự (kèm kết luận giám định xác định số tiền thật, tiền giả)

Xét thấy:

Trong 3 cách trên thì cách thứ 3 thực hiện việc giám định vật chứng là tiền (trong những vụ án không liên quan đến tiền giả) và thực hiện niêm phong vật chứng gửi gói niêm phong vào kho bạcchặt chẽ, đúng theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự Điều 90, Điều 206 BLTTHS, đảm bảo việc giao nhận vật chứng theo Điều 123 Luật thi hành án dân sự và đảm bảo vật chứng  tiền không được lưu thông. Tuy nhiên thực tế thực hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng án có vật chứng là tiền ở dạng này rất nhiều, chiếm tỷ lớn trong số án thụ lý, khi  thực hiện giám định tiền thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi số seri từng tờ tiền, nếu số tiền vật chứng lớn khó kê seri hoặc thu giữ  số tiền quá nhỏ (như 200 đ trong vụ án ma túy mà đối tượng dùng tờ tiền để sử dụng ma túy) thì đều phải chuyển đến cơ quan có chức năng giám định tiền (chi nhánh ngân hàng nhà nước, phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh…) có địa chỉ ở trung tâm  tỉnh hoặc trung ương, cách xa trụ sở cơ quan trưng cầu, nếu ở các huyện xa nhất là miền núi đi lại khó khăn  mất nhiều công sức và thời gian, tiền bạc, mà thực tế không cần thiết có thể thay thế bằng hình thức khác. Hiện tại rất ít Cơ quan điều tra thực hiện theo cách này.

Thực hiện cách 1 thì đơn giản, thuận tiện cho việc chuyển vật chứng giữa các  Cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án dân sự,  đồng thời đảm bảo có căn cứ phát hiện tiền giả khi gửi tiền mặt vào kho bạc mà không cần phải giám định là căn cứ để Tòa án tuyên xử lý vật chứng (nhiều Cơ quan điều tra thực hiện theo cách này). Tuy nhiên do gửi vật chứng là tiền mặt vào kho bạc nên tiền đã được đưa vào lưu thông, không đảm bảo quy định việc tiền là vật chứng không được lưu thông theo quy định tại Nghị định 70/2013/ CP của Chính phủ. Đồng thời nếu quá trình điều tra cần phải kiểm tra vật chứng (như trong vụ án đưa nhận hối lộ có đối tượng khai sử dụng tờ tiền có đặc điểm, số seri.. để phạm tội mà cần đối chiếu, kiểm tra lại lời khai này có đúng không), nếu tiền không được niêm phong thì không còn nguyên số tiền vật chứng nên sẽ không xem xét, kiểm tra được.

 Trước đây Thông tư liên tịch số 03-TT-LB ngày 23 tháng 4 năm 1984 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính quy định chế độ thu giữ, bảo quản, xử lý lật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự thì có quy định vật chứng là tiền mặt (kể cả ngoại tệ) phải giao ngay cho ngân hàng (giao tiền mặt). Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 chỉ quy định vật chứng là tiền phải được bảo quản tại Kho bạc nhà nước. Việc cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền (tiền mặt) là vật chứng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng tại Kho bạc nhà nước là không đúng quy định vì không đảm bảo được tính nguyên vẹn, lẫn lộn của vật chứng. Thậm chí còn gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố xét xử.

Thực hiện theo cách 2 đã đảm bảo niêm phong tiền vật chứng và gửi kho bạc dưới dạng gói niêm phong cho đến khi thi hành án nên tiền đã không được lưu thông theo đúng quy định và đảm bảo phục vụ khi cần xem xét lại vật chứng. Tuy nhiên do sau khi thu giữ, cán  bộ, Điều tra viên Cơ quan điều tra thực hiện lập biên bản thu giữ tổng số tiền thu được, không có cơ quan chuyên môn nào xem xét phân loại để xác định tiền việt Nam hay tiền nước nào, có tiền giả trong số tiền là vật chứng hay không, mà niêm phong gửi kho bạc. Việc Cơ quan thi hành án dân sự không nhận gói niêm phong do Cơ quan điều tra giao mà không có tài liệu của cơ quan chuyên môn phân loại xác định gói niêm phong có loại tiền gì, có tiền giả hay không là cần thiết. Khi bản án quyết định tuyên xử lý vật chứng (tịch thu hủy bỏ hay sung quỹ nhà nước) là thiếu căn cứ, nếu sau đó thi hành án phát hiện bản án tuyên không chính xác, có tiền giả trong số tiền bản án đã tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước thì khó thi hành, có thể bị kháng nghị để hủy bản án về xử lý vật chứng.

Theo tác giả: Việc giám định tiền là vật chứng trong trường hợp này chỉ  với mục đích là các cơ quan chuyên môn thực hiện một cách có căn cứ pháp lý để xác định tiền thu giữ là tiền gì (tiền Việt Nam hay ngoại tệ của nước nào) có bao nhiêu tiền giả, bao nhiêu tiền thật trong số tiền đã thu, là cơ sở để giao nhận vật chứng và tuyên xử lý vật chứng đầy đủ, chính xác. Việc thực hiện theo cách 3 (giám định tiền và niêm phong tiền trước khi gửi kho bạc) là đúng quy định nhưng để giải quyết vướng mắc về giám định tiền thì các cơ quan tố tụng có thể  phối hợp để  thực hiện linh hoạt thay việc giám định bằng hình thức khác… bằng cách làm việc với cơ quan có chuyên môn xác định loại tiền, số tiền giả trong số tiền đã thu giữ. Cụ thể sau khi thu giữ vật chứng là tiền thì Cơ quan điều tra niêm phong và mang đến chi nhánh ngân hàng (là cơ quan chuyên môn) gần nhất (thường là ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng với đại diện và cán bộ chi nhánh Ngân hàng kiểm tra xác định loại tiền, số tiền thật, số tiền giả trong số vật chứng,  Cơ quan điều tra  lập biên bản làm việc  thể hiện toàn bộ quá trình  thực hiện và kết quả xác định loại số tiền thật, tiến giả rồi lại cùng cán bộ ngân hàng niêm phong số tiền lại, biên bản có xác nhận của Đại điện chi nhánh ngân hàng. Tuy biên bản làm việc này không phải kết luận giám định nhưng nó chứa đựng nội dung như kết luận giám định và đảm bảo đúng trình tự căn cứ pháp lý để xác định loại tiền, tiền giả, tiền thật nên có giá trị tương tự thay kết luận giám định.  Cơ quan điều tra mang gói niêm phong đến gửi tại kho bạc, khi giao gói niêm phong sang Cơ quan thi hành án dân sự thì kèm theo Biên bản làm việc với ngân hàng nêu trên. Cơ quan thi hành án dân sự nhận gói niêm phong cùng biên bản làm việc (thay cho kết luận giám định). Như vậy, biên bản làm việc với ngân hàng xác định loại tiền, số  tiền giả và tiền thật trong số tiền  vật chứng,  đảm bảo nhanh gọn và là  căn cứ pháp lý để  Tòa án ra bản án quyết định xử lý vật chứng đúng quy định và  Cơ quan thi hành án giao nhận vật chứng trong thi hành án chặt chẽ. Hiện tại, một số Cơ quan điều tra đã thực hiện theo cách này và từng bước thống nhất thực hiện chung.

Thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng phù hợp với thực tế là vấn cần thiết. Các cơ quan trung ương cũng cần có sự thống nhất hướng dẫn cũng như nghiên cứu sửa đổi quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự  để đảm bảo thực hiện phù hợp trên thực tế.Vật chứng nào cần thiết phải giám định hoặc bắt buộc giám định thì thực hiện theo Điều 205, 206 BLTTHS, không cần thiết phải nêu việc phải giám định trong Điều 90 BLTTHS .

Có thể sửa Điều 90 BLTTHS như sau:

Từ quy định: b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập

Thành : b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được cơ quan chuyên môn phân loại ngay sau khi thu thập.

 Trên đây xin trao đổi một số nội dungvề bảo quản, giao nhận vật chứng  là tiền trong các vụ án hình sự theo quy định pháp luật để cùng nghiên cứu tháo gỡ những vướng mắc khó khăn,  thực hiện yêu cầu khi thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, xét xử đối với vụ án có vật chứng là tiền.

                                                                              Phạm Thị Yến
Phòng 8 - VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây