- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Một bản án sơ thẩm và phúc thẩm hình sự đã tuyên trở nên vô nghĩa nếu không được ra quyết định thi hành án và không được thi hành án trên thực tế. Một trong các nguyên nhân đó là các quy định pháp luật liên quan quản lý theo dõi để ra quyết định thi hành án và thi hành quyết định thi hành án có nội dung chưa quy định chặt chẽ, tạo ra “lỗ hổng” pháp luật dẫn đến bỏ sót trường hợp không quản lý được người bị kết án nhưng chưa được ra quyết định thi hành án hình sự hoặc ra quyết định thi hành án nhưng chưa thi hành quyết định đó (do lỗi của cơ quan tố tụng), dẫn đến việc người bị kết án không phải thi hành án mà không bị phát hiện hoặc khi phát hiện ra thì đã hết thời hiệu thi hành bản án, nhất là bản án xét xử phúc thẩm hình sự.
Trong phạm vi bài viết này đề cập nội dung Cần có quy định chặt chẽ để đảm bảo việc ra quyết định thi hành án hình sự của Toà án đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Theo quy định tại Điều 364 BLTTHS Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án:
1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 262 BLTTHS về gửi bản án, quyết định phúc thẩm quy định:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm; Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo….
Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày.
Theo Điều 60 BLHS thời hiệu thi hành bản án hình sự quy định:
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự 2015 quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Một bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị đối với 1 hoặc 1 số bị cáo thì nội dung liên quan đến kháng cáo kháng nghị chưa có hiệu lực pháp luật. Khi TAND cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo (do rút kháng cáo, kháng nghị) theo Điều 348 BLTTHS thì quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo có hiệu lực pháp luật hoặc khi có bản án xét xử phúc thẩm thì quyết định của bản án đối với bị cáo có hiệu lực ngay (Đ260 BLTTHS) sau đó Toà án đã xét xử sơ thẩm sẽ ra quyết định thi hành án hình sự đối với bị cáo đó.
Trong thực tế từng phát hiện 1 trường hợp người phạm tội bị xử phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo bản án xét xử phúc thẩm (người bị kết án đang tại ngoại ) nhưng không bị TAND cấp sơ thẩm ra quyết định thi hành án hình sự. Hơn 10 năm sau các cơ quan pháp luật mới phát hiện, thì bản án đã xét xử phúc thẩm đối với trường hợp này đã thời hiệu thi hành, dẫn đến người bị kết án không phải thi hành án hình phạt 3 năm tù).
Xem xét những nguyên nhân xảy ra trong trường hợp này thấy bên cạnh những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc Toà án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án hình sự thì có những nguyên nhân khách quan về quy định pháp luật cần khắc phục:
Thứ nhất: Theo Điều 364 BLTTHS để ra quyết định thi hành án hình sự đối với người phải thi hành đã có bản án, quyết định phúc thẩm thì TA đã xét xử sơ thẩm phải nhận được bản án, quyết định phúc thẩm đó; chỉ khi nhận được bản án, quyết định phúc thẩm thì Chánh án TAND nơi xét xử sơ thẩm mới làm căn cứ để ra quyết định thi hành án hình sự. Còn nếu chưa nhận được bản án, quyết định phúc thẩm thì TAND cấp sơ thẩm chưa ra hoặc không ra quyết định thi hành án hình sự. Như vậy việc gửi Bản án, quyết định hình sự phúc thẩm của Toà án nhân dân cấp phúc thẩm cho TAND nơi xét xử sơ thẩm và việc nhận bản án của Toà án cấp sơ thẩm là rất quan trọng. Tuy nhiên quy định tại Điều 348 BLTTHS và Điều 262 BLTTHS quy định cấp phúc thẩm “gửi bản án” cho Toà án nhân dân đã xét xử sơ thẩm mà không phải “giao bản án” .
Thứ 2: Trong thực tế, một số TAND cấp phúc thẩm quy định việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm rất đơn giản: thư ký mang bản án đến cho văn thư để gửi cùng lúc cho 6-7 nơi khác nhau theo nơi nhận dưới bản án, quyết định (như quy định tại Điều 262 BLTTHS) trong đó gửi cho TAND và VKSND nơi xét xử sơ thẩm, gửi như công văn bình thường không có bảo đảm). Trong giai đoạn này có thể xảy ra nhầm lẫn, thất lạc (vì không gửi bảo đảm và thông tin lại từ bên nhận. Đến TAND xét xử sơ thẩm quá trình nhận và chuyển đến người có trách nhiệm ra quyết định thi hành án hình sự có thể có sự nhầm lẫn, sự bỏ quên, thất lạc Trong khi đó, không có quy định việc theo dõi, thông tin, đối chiếu giữa TAND xét xử phúc thẩm với TAND xét xử sơ thẩm vụ án về việc nhận được bản án, quyết định sơ thẩm và việc ra quyết định thi hành án hình sự đối với người phải thi hành trong quyết định, bản án (nhất là đối với người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại). Dẫn đến có bản án, quyết định phúc thẩm có thể vô tình bỏ quên. Không ra quyết định thi hành án .
Thứ 3: Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án, tuy nhiên một số quy định của VKS chưa chặt chẽ khi thực hiện kiểm sát việc gửi và nhận bản án, quyết định phúc thẩm; kiểm sát việc ra quyết định thi hành án hình sự Toà án.
Tại Điều 4 quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của VKSNDTC (gọi tắt là QC 505) quy định:
Điều 4 (QC 505). Phạm vi công tác: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự bắt đầu từ khi Viện kiểm sát chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Quy chế 501 ngày 12/10/2017 của VKSND tối cao về công tác kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án hình sự (QC 501) quy định: Tại Điều 4 (QC 501) phạm vi công tác kiểm sát:
"2. Công tác kiểm sát thi hành án bắt đầu từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án hình sự và kết thúc khi chấm dứt việc thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật".
Điều 11. (QC 501) Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định thi hành án ....Viện kiểm sát kiểm sát thời hạn ra quyết định, thẩm quyền ra quyết định va nội dung ra quyết định thi hành án của Tòa án đã xét xử sơ thẩm....
* Điều 2 (LTHAHS). Bản án, quyết định được thi hành:
1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.
Như vậy, từ các quy định trên xác định phạm vi Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là khi đã có quyết định thi hành án và kiểm sát về thời hạn, thẩm quyền ra quyết định, nội dung ra quyết định. Còn việc bản án xét xử có hiệu lực pháp luật có quyết định thi hành án hình sự hay chưa thì không thuộc phạm vi công tác kiểm sát Thi hành án và cũng không thuộc phạm vi công tác THQCT và KSXX vụ án hình sự (trong các quy định của quy chế 505 về hoạt động sau phiên tòa không có quy định nào liên quan đến việc kiểm sát việc gửi, nhận bản án, quyết định phúc thẩm, việc ra quyết định thi hành án) và trong các Quy chế công tác kiểm sát khác cũng không có quy chế nào quy định về kiểm sát việc ra quyết định THAHS đối với bản án, quyết định có hiệu lực.
Vì vậy, trong thực tế VKS đã xét xử sơ thẩm khi nhận được thông báo kết quả xét xử phúc thẩm hoặc nhận được bản án phúc thẩm do TA cấp phúc thẩm gửi đến thường được lưu trong hồ sơ kiểm sát đã xét xử sơ thẩm để theo dõi kết quả (QC 505) mà không sử dụng để kiểm sát việc ra quyết định thi hành án của TA (vì quy chế 501không quy định). Vì vậy có trường hợp mặc dù VKS đã nhận được bản án phúc thẩm nhưng không phát hiện được việc chưa ra quyết định thi hành án hình sự đối với người bị kết án theo bản án đó (đang tại ngoại), dẫn đến hết thời hiệu thi hành bản án theo Điểu 60 BLHS như trường hợp bị kết án 3 năm tù nêu trên. Có thể sẽ có những bản án không được ra quyết định thi hành án hình sự mà không được phát hiện như bản án đã được rút kinh nghiệm nêu trên, nếu không có những quy định chặt chẽ và chế ước lẫn nhau của pháp luật trong quản lý theo dõi việc ra quyết định thi hành án của Toà án cấp sơ thẩm đối với bản án, quyết định phúc thẩm . Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi 1 số quy định của pháp luật:
1. Bộ luật hình sự cần có quy định cụ thể chặt chẽ về trách nhiệm của TAND gửi quyết định, bản án phúc thẩm (phải gửi bảo đảm hoặc giao trực tiếp đảm bảo TAND cấp sơ thẩm nhận được bản án, quyết định phúc thẩm ), quy định TAND cấp phúc thẩm phải theo dõi việc nhận bản án, quyết định và ra quyết định thi hành án. Trách nhiệm của TAND nhận bản án, quyết định phúc thẩm (phải thông tin lại cho bên gửi khi nhận được hoặc chưa nhận được, gửi quyết định thi hành án hình sự ).
2. Hai ngành VKSND và TAND cần có quy định quy chế cụ thể chặt chẽ đảm bảo việc ra quyết định thi hành án như:
- Đối với TA: quy định việc TA cấp phúc thẩm gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho TAND cấp sơ thẩm phải gửi bằng hình thức thư bảo đảm (có lưu cuống bưu điện) hoặc giao trực tiếp. Hàng tháng, TAND cấp phúc thẩm lập danh sách từng bị cáo đã ra quyết định đình chỉ xét xử hoặc đã ra bản án xét xử cụ thể ngày tháng giải quyết và gửi danh sách cho TAND cấp đã xét xử sơ thẩm; đồng thời theo dõi, đối chiếu, đôn đốc TAND đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án hình sự (có thể giao trực tiếp cho Thẩm phán đã giải quyết hoặc giao cho bộ phận Thi hành án hình sự theo dõi trên cơ sở danh sách các vụ án cấp mình giải quyết theo trình tự phúc thẩm);
- Đối với VKS: Lãnh đạo VKSND tối cao Cần bổ sung quy chế Công tác THQCT và kiểm sát xét xử (505) và quy chế kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án (QC 501) theo hướng:
+ Quy chế 505 về kiểm sát xét xử: Ngoài việc ra thông báo kết quả xét xử cần bổ sung vào quy định: VKSND cấp phúc thẩm phải kiểm sát việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cùng cấp;
+ Bổ sung sửa đổi Quy chế 501về giam giữ cải tạo: Cần sửa Điều 4 Phạm vi công tác, cần quy định: Công tác kiểm sát thi hành án bắt đầu từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Bổ sung khoản 1 Điều 11. ( QC 501) Kiểm sát việc Tòa án ra quyết định thi hành án .... nội dung: Viện kiểm sát quản lý bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của TA cùng cấp để kiểm sát việc ra quyết định thi hành án; Đồng thời VKS cần có quy định cụ thể phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới; công tác kiểm sát xét xử hình sự và công tác kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án như:
- VKS cấp cấp cao, Phòng THQCT và KSXXPT ngoài thực hiện nghiêm việc ra thông báo kết quả xét xử phúc thẩm đối với từng vụ án theo Quy chế 505, thì hàng tháng phải lập danh sách ngày tháng đã đình chỉ xét xử và đã xét xử các vụ án trong tháng gửi cho các VKSND đã xét xử sơ thẩm có án xét xử phúc thẩm đồng thời gửi cho Vụ kiểm sát giam giữ cải tạo VKSNDTC hoặc phòng kiểm sát giam giữ cải tạo….để theo dõi. Những vụ án mà Viện kiểm sát nhân dân đã xét xử sơ thẩm phản ánh hoặc báo cáo không nhận được bản án cần kiểm sát và đôn đốc Toà án đã xét xử phúc thẩm gửi bản án XXPT.
- Vụ kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án hình sự VKSNDTC hoặc phòng kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án, hàng tháng nhận danh sách giải quyết phúc thẩm phải theo dõi, kiểm tra việc kiểm sát ra quyết định thi hành án hình sự của VKS cấp sơ thẩm, kịp thời phát hiện những trường hợp đã đến thời hạn ra quyết định thi hành án hình sự nhưng Tòa án chưa ra quyết định thi hành án hình sự.
- VKSND đã xét xử sơ thẩm: khi nhận bản án, quyết định đình chỉ phúc thẩm của TA phúc thẩm hoặc thông báo xét xử phúc thẩm của VKS hoặc danh sách các vụ án đình chỉ, xét xử hàng tháng của VKS cấp phúc thẩm thì photo chuyển bộ phận hoặc phòng KS GGCT và THA vào sổ theo dõi việc ra quyết định thi hành án; khi nhận quyết định thi hành án hình sự của TA cùng cấp thì vào sổ và gạch sổ; những vụ án chưa được gạch sổ mà thấy thời gian ra quyết định thi hành án đã quá hạn thì Kiến nghị Toà án cùng cấp ra quyết định thi hành án, nếu lý doTA chưa nhận được bản án, quyết định thì báo cáo VKSND cấp phúc thẩm để kiểm sát việc gửi bản án, quyết định. Đồng thời tiếp tục theo dõi thông tin giữa 2 cấp kiểm sát, đảm bảo 100% người bị kết án có quyết định thi hành án hình sự. Báo cáo VKS cấp trên những trường hợp giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, đã có quyết định thi hành án hình sự.
Những quy định trên nhằm không để bỏ sót những trường hợp không ra quyết định thi hành án hình sự do lỗi của các cơ quan pháp luật./.
Phạm Thị Yến VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.