Cần có quy định về giải quyết khi Viện kiểm sát phát hiện bản Cáo trạng truy tố không đúng

Thứ hai - 07/06/2021 22:31

Bản Cáo trạng là  văn bản pháp lý do Viện kiểm sát lập ra truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử. Nội dung bản Cáo trạng trên cơ sở kết quả điều tra và kiểm sát điều tra xác định một hay nhiều người  thực hiện hành vi phạm tội cụ thể; truy tố ra trước Toà án để xét xử về một hay nhiều tội danh theo điều khoản hình phạt cụ thể của BLHS. Sau khi truy tố, tại phiên toà Kiểm sát viên Công bố Cáo trạng, xét hỏi và Luận tội để bảo vệ bản cáo trạng đã truy tố.

Tuy nhiên, xảy ra một số trường hợp bản Cáo trạng  truy tố chưa đúng với khung hình phạt mà bị cáo phạm vào (nặng hơn hoặc nhẹ hơn) là do sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật mà không cần phải điều tra thêm nội dung nào cũng xác định được. Kiểm sát viên đã phát hiện ngay sau khi truy tố hoặc trước ngày xét xử, Toà án không trả hồ sơ (do không thuộc trường hợp trả hồ sơ). Trong trường hợp này, Kiểm sát viên (KSV) cần xử lý thế nào đảm bảo đúng quy định pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định về việc VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước ngày mở toà, mà không có quy định rút, bổ sung, thay đổi một phần quyết định truy tố; quy chế công tác kiểm sát xét xử hình sự chưa quy định, cụ thể trong các trường hợp sau:

1. Trường hợp thứ nhất: Đối với trường hợp phát hiện bị cáo phạm vào khung hình phạt nhẹ hơn VKS đã truy tố; Ví dụ  : Nguyễn Văn A bị Viện kiểm sát truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma tuý theo khoản 2 Điều 251 BLHS “ tái phạm nguy hiểm”. Sau khi truy tố Viện kiểm sát phát hiện B thuộc trường hợp tái phạm không phải tái phạm nguy hiểm, truy  tố theo khoản 2 Điều 251 BLHS là không đúng bị cáo phạm vào khoản 1 Điều 251 BLHS mới đúng.  Toà án không trả hồ sơ (do Toà án có thể  xét xử khoản nhẹ hơn).

Trường hợp này thực tế  xử lý với 3 cách khác nhau:

Cách xử lý 1: Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện việc sẽ thay đổi bổ sung tại phiên toà, ngay sau khi đọc Cáo trạng Kiểm sát viên có ý kiến (không bằng văn bản) sửa đổi bổ sung Cáo trạng truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 251 BLHS (theo quy định tại Điều 306 BLTTHS  quy định VKS công bố Cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung nếu có. Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo).

Cách xử lý thứ 2: trước khi xét xử Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện. Tại phiên toà Kiểm sát viên vẫn công bố Cáo trạng không đúng và xét hỏi, khi Luận tội thì phân tích bị cáo không tái phạm nguy hiểm để rút một phần Cáo trạng truy tố kết luận bị cáo phạm vào khoản 1 Điều 251 BLHS.(căn cứ theo  Điều 321 Luận tội quy định  "...3. Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hoặc một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; ..."

Điều 21 Quy chế…. Kết luận bị cáo phạm vào khoản nhẹ hơn khoản đã truy tố

Cách xử lý 3: trước phiên toà lãnh đạo Viện ra quyết định thay đổi Cáo trạng từ truy tố bị can theo khoản 2 Điều 251 BLHS xuống truy tố theo khoản 1 Điều 251 BLHS (mẫu tự biên soạn), Quyết định thay đổi gửi cho Toà án đưa vào hồ sơ (không phải gửi cho bị cáo do có lợi cho bị cáo). Tại phiên toà sau khi đọc Cáo trạng, KSV đọc Quyết định thay đổi quyết định truy tố.

Đánh giá về các cách xử lý trên xét  thấy cách xử lý thứ 1 và thứ 2  trên cơ sở quy định của BLTTHS tuy nhiên ở cách thứ 1 thì bản Cáo trạng là văn bản pháp lý do lãnh đạo Viện ký, nhưng ý kiến bổ sung của Kiểm sát tại phiên toà (không bằng văn bản cũng như không phải người có thẩm quyền) lại bổ sung thay đổi lớn nội dung Cáo trạng thì không phù hợp, không đảm bảo giá trị của bản Cáo trạng.

Cách xử lý thứ 2  đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự quy định BLTTHS và quy chế KSXX cũng như đảm bảo căn cứ (qua kết quả xét hỏi tại phiên toà) để thay đổi bổ sung thay đổi Cáo trạng. Tuy nhiên, với cách xử lý này thì thấy khi VKS đã biết bản Cáo trạng truy tố rõ ràng là không đúng khung hình phạt (không cần phải xét hỏi cũng xác định được) nhưng vẫn không kịp thời sửa mà vẫn công bố và xét hỏi thể hiện sự khắc phục sai sót chưa kịp thời.

Cách xử lý thứ 3: chưa được quy định trong BLTTHS (BLTTHS chỉ có quy định VKS rút quyết định truy tố mà chưa có quy định VKS thay đổi, rút 1 phần cáo trạng truy tố trước khi mở phiên toà) và Quy chế 505 cũng không quy định, Mẫu thay đổi quyết định truy tố do tự  biên soạn. Tuy nhiên xử lý bằng cách này đảm bảo quyết định truy tố cuối cùng của VKS công bố tại phiên toà  đúng pháp luật, quyết định thay đổi bổ sung Cáo trạng đã kịp thời khắc phục sai sót của bản Cáo trạng (không truy tố sai), việc thay đổi Cáo trạng do người có thẩm quyền ban hành Cáo trạng quyết định có giá trị pháp lý và tính hiệu lực cao hơn KSV phát biểu miệng .

Tôi đồng ý với cách xử lý thứ 3, tuy nhiên cần phải quy định trình tự này vào BLTTHS

2. Trường hợp thứ 2: sau khi truy tố phát hiện bị cáo phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn khoản mà VKS đã truy tố trong cùng điều luật (tội nặng hơn VKS truy tố trong cùng điều luật), do VKS đã tính toán sai khi truy tố không cần phải điều tra, xét hỏi gì thêm cũng xác định định được.

Ví dụ : Nguyễn Văn B Viện kiểm sát truy tố về tội Mua bán trái phép chất ma tuý theo khoản 1 Điều 251 BLHS. Sau khi truy tố Viện kiểm sát phát hiện B thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm phải truy tố theo khoản 2 Điều 251 BLHS mới đúng,  Toà án không trả hồ sơ mà ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử với nội dung có thể bị xét xử theo khoản 2 Điều 251 BLHS. Trường hợp này VKS phải xử lý như thế nào

- Cách xử lý 1: KSV báo cáo đề xuất lãnh đạo viện (báo cáo xét xử ) về bị cáo phạm vào khoản 2 nhưng VKS truy tố bị cáo theo khoản 1 là chưa đúng đề xuất thay đổi quan điểm truy tố khi luận tội bị cáo tại  toà.

Tại phiên toà KSV vẫn công bố Cáo trạng truy tố theo khoản 1 Điều 251 BLHS và xét hỏi, sau khi xét hỏi, tại bản Luận tội Kiểm sát viên phân tích bị cáo phạm vào khoản 2, nên thay đổi bổ sung Cáo trạng truy tố bị cáo về tình tiết “tái phạm nguy hiểm “ kết luận bị cáo phạm vào  khoản 2 Điều 251 BLHS và đề nghị hội đồng xét xử  quyết định hình phạt theo khoản 2 Điều 251 BLHS (khoản nặng hơn trong cùng điều luật VKS truy tố). Căn cứ theo Điều 21 Quy chế 505 về Công tác THQCT và KSXX hình sự quy định:

2. Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để... kết luận về khoản  khác ...nặng hơn trong cùng một điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối lãnh đạo VKS cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm

- Cách xử lý thứ 2: Kiểm sát viên ngay sau khi phát hiện Cáo trạng truy tố không đúng báo cáo Lãnh đạo VKS để ra quyết định thay đổi Cáo trạng (do lãnh đạo Viện ký) và thực hiện tống đạt quyết định thay đổi đó cho các bị cáo. Tại phiên toà nếu các  bị cáo không có ý kiến gì thì tiếp tục xét xử, sau khi đọc bản Cáo trạng thì đọc quyết định thay đổi Cáo trạng và xét hỏi, luận tội bị cáo theo khoản 2 Điều 251 BLHS (nếu bị cáo có ý kiến về việc đề nghị hoãn phiên toà để có thời gian nghiên cứu bản thay đổi cáo trạng thì phải hoãn phiên toà).

 - Cách xử lý thứ 3:  Viện kiểm sát rút hồ sơ về truy tố lại, nội dung nêu rõ Cáo trạng này thay thế Cáo trạng trước số ngày tháng năm.

Xét thấy: Cách xử lý thứ 1: đến khi  Luận tội thì thay đổi bổ sung hay rút Cáo trạng (cũng tương tự như cách xử lý thứ 2 trường hợp thứ nhất nêu trên), vận dụng Điều 21- Quy chế 505 về Công tác THQCT và KSXX hình sự khi Kiểm sát viên  Luận tội phân tích kết luận về khoản nặng hơn khoản VKS truy tố.

Cách xử lý này có bất cập là đã biết bản Cáo trạng truy tố không đúng trước khi mở phiên toà (không phải qua xét hỏi phát hiện được) mà người có thẩm quyền ban hành không kịp thời thay đổ bổ sung ngay từ khi phát hiện mà tại phiên toà vẫn công bố Cáo trạng không đúng. Đồng thời theo quy định BLTTHS thì tại phiên toà chỉ quy định luận tội kết luận về tội nhẹ hơn, không có quy định kết luận về tội nặng hơn (trong cùng điều luật) nên việc kết luận này trong cách xử lý 1 chưa phù hợp và chưua đúng quy định BLTTHS.

Cách xử lý thứ 2:  người có thẩm quyền ban hành Cáo trạng ra Quyết định bổ sung, thay đổi hay rút 1 phần Cáo trạng là phù hợp hơn,

Nhưng cách xử lý này có vướng mắc là BLTTHS cũng như quy chế 505 chưa quy định việc VKS bổ sung thay đổi quyết định truy tố hoặc rút 1 phần quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.

Cách xử lý thứ 3: Rút hồ sơ truy tố lại,  đảm bảo đúng trình tự tố tụng Tphù hợp với giải đáp tại mục 56 Tài liệu giải đáp khó khăn vướng mắc của VKSND tối cao thì khi phát hiện bị cáo phạm vào khoản nặng hơn (tội nặng hơn trong cùng điều luật) VKS truy tố thì phải yêu cầu Tòa án trả hồ sơ để thay đổi Cáo trạng và tống đạt lại cho bị can để đảm bảo quyền bào chữa.

 Tuy nhiên, cách xử lý này có bất cập là  không đảm bảo sự chủ động của VKS, phụ thuộc vào việc trả hồ sơ của Toà án. Trường hợp Toà không trả lại hồ sơ (vì Toà án có thể xét xử về khoản nặng hơn VKS truy tố, Toà án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử), theo quy định BLTTHS không quy định thuộc trường hợp Toà án trả hồ sơ hoặc  quy định  phải cho VKS rút hồ sơ. Vì vậy khi Toà án không trả hồ sơ thì phải thực hiện theo cách 1 hoặc cách 2.

Trong thực tế, không thể tránh việc xảy ra trường hợp sau khi truy tố phát hiện Cáo trạng truy tố không đúng khoản như 2 trường hợp trên nhưng Bộ luật tố tụng hình sự chưa có quy định Viện kiểm sát có quyền rút một phần quyết định truy tố hoặc  thay đổi bổ sung quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa (mà chỉ có rút toàn bộ quyết định truy tố), nên phiều khi đã phát hiện quyết định truy tố có nội dung chưa chính xác cách xử lý lúng túng không thống nhất, mỗi nơi xử lý 1 cách khác nhau, đều có những bất cập, làm giảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Đây là vấn đề vướng mắc từ Bộ luật tố tụng hình sự 2003 nhưng chưa được Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi.

Từ những nội dung trên tôi Kiến nghị:

1. Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung  BLTTHS  trong đó bổ sung quy định Viện kiểm sát có quyền rút một phần quyết định truy tố hoặc  thay đổi bổ sung quyết định truy tố (về tội, khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn) trước khi mở phiên tòa và  đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo ( hiện chỉ có rút toàn bộ quyết định truy tố).

2. VKSND tối cao cần  Sửa đổi Quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo quyết 505 ngày 18/12/2017 đảm bảo hướng dẫn giải thích rõ nội dung:

-   Điều 306 BLTTHS quy định VKS công bố Cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung nếu có. Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Vậy sau khi công bố Cáo trạng Kiểm sát viên trình bày ý kiến bổ sung thì ý kiến bổ sung này là ý kiến gì? Ý kiến được trình bày dưới dạng văn bản hay là do KSV tự nói tại phiên toà; nếu dưới dạng văn bản thì Kiểm sát viên ký hay hay  người có thẩm quyền ban hành Cáo trạng ký? ý kiến làm thay đổi tội danh, điều khoản áp dụng so với Cáo trạng truy tố có được không? 

(Cần quy định cụ thể  ý kiến thay đổi bổ sung Cáo trạng phải bằng văn bản  do người có thẩm quyền ban hành Cáo trạng ký trước khi mở phiên toà, vì Cáo trạng là văn bản pháp lý , KSV khi chưa xét hỏi điều tra không thể tuỳ tiện có ý kiến bổ sung được).

Quy chế quy định hướng dẫn về nội dung trước khi mở phiên toà, Kiểm sát viên phát hiện Cáo trạng có sai sót hoặc phát hiện bị cáo phạm vào khoản nặng hơn hoặc khoản nhẹ hơn khoản VKS truy tố thì người có thẩm quyền phải ra quyết định thay đổi, bổ sung  quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo./.

                                                                                 Phạm Thị Yến P7
VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây