Cần hướng dẫn, sửa đổi một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam

Thứ tư - 12/07/2023 04:23

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan tư pháp đã không ngừng tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm nhất là không để xảy ra hành vi:“Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn”như quy định tại Điều 377- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật Bộ luật hình sự. Tuy vậy, để việc phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp liên quan tới tạm giữ, tạm giam tiếp tục có hiệu quả cần phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số quy định của Bộ luật TTHS.

Bộ LTTHS có một số điều luật quy định liên quan tới việc ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam tại các điều 125, 173, 244 nhưng chưa rõ ràng (thời điểm nào bắt buộc phải có lệnh, quyết định kế tiếp) có thể dẫn đến việc người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.

Cụ thể Điều 125BLTTHS quy định nội dung cơ quan điều tra (CQĐT) phải đề nghị viện kiểm sát (VKS) gia hạn tạm giam, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam trước khi hết thời hạn tạm giam 10 ngày; Điều 173 BLTTHS quy định nội dung CQĐT phải đề nghị VKS gia hạn tạm giam trước khi hết thời hạn tạm giam 10 ngày nhưng đều không quy định khi nào các quyết định, lệnh đó phải tống đạt cho bị can.

Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản  2 Điều 125 BLTTHS nội dung quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn phải tống đạt cho đối tượng trước khi lệnh, quết định cũ hết hạn bao nhiêu giờ;khoản 2 Điều 173 BLTTHSnội dung quyết định gia hạn phải tống đạt cho bị can trước khi lệnh cũ hết hạn bao nhiêu giờ. (Đồng thời liên ngành VKSNDTC, Bộ công an, bộ Quốc phòng cũng xem xét sửa đổi lại các điều các Điều 18, 20, 31 Thông tư liên ngành số 04/2018/TTLN-VKSNDTC-BCA-BQP cho phù hợp).

Đối với khoản 7 Điều 173 BLTTHS cần bổ sung nội dung thế nào là “không cần thiết phải tiếp tục tạm giam” để tránh lạm dụng việc tạm giam hoặc tùy tiện trong việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Điều 244 BLTTHS quy định VKSND phải thông báo cho Tòa án trước khi hết hạn tạm giam 7 ngày cũng chưa đầy đủ vì chỉ dừng lại ở việc “thông báo”, còn việc ra Lệnh, quyết định thế nào, tống đạt khi nào cũng chưa rõ. Vì vậy, cần bổ sung nội dung trước khi hết hạn tạm giam 3 ngày Tòa án phải tống đạt lệnh giam mới, hoặc Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cho bị cáo . Đồng thời đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC cần xem xét sửa đổi bổ sung Điều 22 Nghị quyết 04/2004/HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán, TANDTC. Vì điều 22 quy định: đối với bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam gần hết (không còn quá 5 ngày)  và xét thấy cần tiếp tục tạm giam thì Thẩm phán đề nghị Chánh án hoặc Phó chánh án ra lệnh tạm giam là chưa đủ vì nội dung mới dừng lại ở việc “đề nghị”, còn việc ra lệnh, quyết định thế nào, tống đạt khi nào cũng chưa rõ.

Các cơ quan tư pháp TW đang  xem xét, đề nghị sửa đổi bổ sung một số quy định của BLTTHS, Vì vậy  cần nghiên cứu  bổ sung, quy định về việc các cơ quan tố tụng thực hiện nội dung:" Phối hợp rà soát, kịp thời thông báo các trường hợp sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam theo luật định; các cơ quan tố tụng phải tống đạt lệnh giam (thay đổi, hủy bỏ lệnh giam) trước khi hết hạn chậm nhất là 03 ngày; Tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn và tống đạt cho bị cáo ngay" như ba cơ quan tố tụng tỉnh Hải Dương đã đưa vào Nghị quyết công tác phối hợp hàng năm.

                                           Nguyễn Văn Đoàn
Phòng 8-VKSND tỉnh Hải Dương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây