Cần quy định về thời hiệu ra quyết định thi hành án dân sự về việc Cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định

Thứ sáu - 15/10/2021 02:56

Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 có nhiều quy định cụ thể rõ ràng, đầy đủ hơn so với Pháp lệnh thi hành án dân sự trước đây, tuy nhiên vấn đề về thời hiệu ra quyết định thi hành án dân sự đối với việc phải chủ động ra quyết định, chưa được quy định là vấn đề bất cập vướng mắc dẫn đến việc áp dụng pháp luật không công bằng

Trong Luật thi hành án chỉ quy định về Thời hiệu yêu cầu thi hành án  theo Điều  30 Luật thi hành án, đối với  việc ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm . Đối với phần bản án, quyết định mà Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án theo khoản 2 Điều 36  Luật thi hành án dân sự (trong đó có quy định về việc chủ động ra quyết định thi hành về án phí, tiền phạt…) thì không quy định về thời hiệu ra quyết định thi hành án.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành án chủ động đối với việc phải chủ động ra quyết định (với nhiều lý do như:  Cơ quan thi hành án dân sự không nhận  được bản án, quyết định do Tòa án không gửi hoặc gửi nhưng bị thất lạc, hoặc đã nhận nhưng bỏ quên không ra quyết định thi hành án….) thì Luật thi hành án dân sự không quy định thời gian để không ra quyết định thi hành án nữa, như vậy là không phù hợp, bất cập, không phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Vấn đề này rất quan trọng , bởi nó ảnh hưởng đến việc xác định một người đã chấp hành xong bản án hay chưa, trong một số trường hợp  ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của chính người phải thi hành.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị phạt 1 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ. Do các lý do khác nhau cơ quan thi hành án có thẩm quyền đã không ra quyết định thi hành án đối với khoản án phí.  A chấp hành xong hình phạt tù về địa phương (không để ý đến việc phải nộp án phí và chưa nộp án phí). 12 năm sau A trộm cắp tài sản (500.000đ), tính theo thời gian chấp hành hình phạt tù thì đã qua 2 năm kể từ chấp hành xong hình phạt là có thể xóa án án tích, tuy nhiên do A chưa chấp hành xong 200.000đ án phí (là quyết định khác của bản án) nên A chưa được xóa án tích nên lần này A phạm tội  Trộm cắp tài sản và bị khởi tố điều tra truy tố.

Trong trường hợp trên có nhiều quan điểm, quan điểm 1 cho rằng phải tính thời hiệu thi hành án phí đối với A theo quy định về thời hiệu thi hành bản án theo Điều 60 BLHS (là 5 năm). Quan điểm 2 cho rằng Điều 60 BLHS chỉ quy định đối với thời hiệu thi hành hình phạt, việc thi hành án phí phải theo quy định của Luật thi hành án dân sự, mà Luật thi hành án dân sự không quy định về thời hiệu, nên việc ra quyết định và thi hành án dân sự đối với án phí nêu trên không có thời hiệu.

Quan điểm 1 chỉ là vận dụng để thực hiện khi chưa có quy định của Luật thi hành án dân sự, Quan điểm 2  đảm bảo đúng quy định của Luật thi hành án dân sự nhưng  nó không đảm bảo phù hợp thực tế, phù hợp với các quy định liên quan.

Nghiên cứu các quy định liên quan

Điều 60 BLHS quy định. Thời hiệu thi hành bản án

1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.

2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:

a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;

b) 10 năm đối đối với trường hợp xử phạt tù trên 3 năm đến 15 năm tù.

..........

d)...

3. Thời hiệu thi hành bản án đối với pháp nhân thương mại là 5 năm

4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2, 3 Điều này , người bị kết án, pháp nhân thưuơng mại bị kết án  lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Như vậy, đối với quyết định của bản án về hình phạt là tiền, cải tạo không giam giữ hay hình phạt tù thì đều có quy định thời hiệu thi hành kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu sau thời hạn quy định mà cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định thi hành án, chưa thi hành bản án (tức do lỗi không phải do người phải thi hành) thì người đó không phải chấp hành quyết định về hình phạt của bản án đó. 

Nhiều luật khác đều quy định về thời hiệu như: Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hiệu xử lý vi phạm  hành chính (Điều 6)  và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính ( Điều 74 Luật XLVPHC) đều quy định trong 1 thời gian nhất định (1 năm, 2 năm) mà không  ra quyết định xử lý vi phạm hoặc thi hành quyết định xử lý vi phạm, không do người phải thi hành án cố tình trốn tránh thì hết thời hiệu (tức cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định hoặc thi hành quyết định đó nữa...)       

Nghiên cứu các quy định trước đây từ khi chưa có Luật thi hành án dân sự 2008, thực hiện theo Pháp lệnh thi hành án dân sự, trong Pháp lệnh thi hành án dân sự không  quy định thời hiệu thi hành án đối với việc chủ động ra quyết định thi hành án,( chỉ quy định thời hiệu yêu cầu  thi hành án của  cá nhân là 3 năm, của cơ quan, tổ chức là 1 năm ) nên Nghị quyết số: 01/2000/NQ-HĐTP  ngày 04/8/2000  của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn mục 11. Xóa án tích:

d- ……………………………..

Đối với các quyết định khác về tài sản trong bản án hình sự (như: tiền bồi thường thiệt hại; trả lại tài sản; tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến thiệt hại; tịch thu tài sản, án phí...) thì vẫn thi hành theo các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự (Điều 1). Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về thời hiệu thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; do đó, để xem xét thời hiệu thi hành án đối với các quyết định về tài sản trong bản án hình sự đã hết hay chưa thì cần phân biệt như sau:

d.1- Đã hết thời hiệu thi hành án đối với các quyết định về tài sản trong bản án hình sự, nếu hết thời hạn quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự mà không có trở ngại khách quan, nhưng người được thi hành án không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án hoặc trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án, nhưng đã không ra quyết định thi hành án.

Ví dụ: - Hết thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, cá nhân được Toà án quyết định trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại mặc dù không có trở ngại khách quan, nhưng không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án, thì quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại này của Toà án hết hiệu lực thi hành.

- Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức được thi hành án không có đơn gửi cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án đối với quyết định về trả tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa và Thủ trưởng cơ quan thi hành án cũng không chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, thì quyết định của Toà án hết hiệu lực thi hành.

Nội dung Nghị quyết nêu trên đã hướng dẫn rất cụ thể phù hợp về tính thời hiệu thi hành án trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án nhưng đã không ra quyết định thi hành án. Đây là nội dung rất quan trọng  cần thiết phải đưa vào Luật thi hành án dân sự 2008, tuy nhiên khi xây dựng Luật thi hành án đã không đưa vào, và đến nay sửa đổi năm 2018 vẫn chưa có nội dung này làm cho việc thi hành bản án kéo dài không đáng có gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng khác, gây ảnh hưởng đến quyền nghĩa vụ của đương sự.     

Tóm lại, trong cùng một bản án hình sự, quyết định về hình phạt tù còn có quy định về thời hiệu thi hành án, trong khi quyết định của bản án về án phí, tiền phạt...  thì không  quy định về thời hiệu thi hành là một bất cập, không đảm bảo chặt chẽ, công bằng. 

Từ những vấn đề trên, kiến nghị  cơ quan có thẩm quyền 1 số nội dung sau:

 - Bổ sung nội dung quy định về thời hiệu ra quyết định thi hành án đối với việc phải chủ động ra quyết định thi hành án dân sự.

- Khi Luật thi hành án dân sự chưa sửa đổi bổ sung thì Cơ quan có thẩm quyền cấp trên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể  quy định  về thời hiệu ra quyết định án thi hành án  dân sự  đối với khoản thi hành án chủ động (tương tự như đối với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP  ngày 04/8/2000  của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫnnêu trên) .

( có thể quy định thời hiệu  1 năm đối với tài sản dưới 2000.000 đ; 5 năm đối với tài sản  dưới 50 triệu đồng , 10 năm đối với tài sản  dưới 200.000.000 đ ; 15 năm đối với tài sản trên 200 .000.000 đ).

                                                                                           Phạm Thị Yến - P8

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây