Chế tài nào cho hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hô

Thứ sáu - 17/03/2023 02:43

Chế tài nào cho hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hô

Theo pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành, thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên sau ly hôn thường phát sinh khi người cha, mẹ đó không trực tiếp nuôi con. Trên thực tế, người cha/mẹ sau ly hôn phải một mình nuôi con, có trường hợp nuôi nhiều con nhưng người cha/mẹ không trực tiếp nuôi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án. Vậy pháp luật hiện hành có những quy định nào về chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng?

Pháp luật hiện hành đã có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền yêu cầu buộc thực hiện cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ ly hôn. Đồng thời quy định trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp dưỡng và chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Ngoài ra, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014 cũng có quy định như sau:

"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Trong trường hợp cha, mẹ sau khi ly hôn và không sống chung cùng con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thuộc các đối tượng như sau:

+ Con chưa thành niên

+ Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.


Hình ảnh minh họa: Một phiên tòa hôn nhân gia đình

Luật cũng quy định trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, cụ thể:

Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014  quy định về Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó."

Như vậy căn cứ theo quy định trên, nếu người cha/ mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì người còn lại có quyền nộp đơn đến Tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo đúng quy định. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp dưỡng cũng được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022 và văn bản có liên quan.

Pháp luật hiện hành có những quy định về chế tài dân sự, hành chính, hình sự đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, cụ thể:

Điều 57 Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định mức phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Bộ luật hình sự quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:

 “Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, chế tài cao nhất của hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử lý hình sự. Tùy vào hành vi, mức độ mà có các mức phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù với mức cao nhất là 02 năm./.

                                                                                                         Nguyễn Thị Hiền
Phòng 9 – VKSND Tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây