Có nên áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” trong vụ án trộm cắp tài sản

Thứ tư - 20/07/2022 00:12
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, thì người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng nếu đối tượng tác động của tội phạm đó là “người dưới 16 tuổi”.

Quy định là vậy, nhưng thực tế khi áp dụng tình tiết tăng nặng này còn nhiều khó khăn, mang tính tùy nghi. Vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn còn nhiều quan điểm đối lập, do đó việc áp dụng tình tiết tăng nặng này trong từng vụ án chưa có sự thống nhất, đặc biệt là trong vụ án “Trộm cắp tài sản”, cụ thể như tình huống dưới đây:

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 08/11/2021, tại nhà chị Hồ Thị Ng tại thôn BL, xã LĐ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Vũ Đình Th có hành vi lén lút chiếm đoạt chiếc điện thoại di động Iphone 6S, màu hồng, trắng, ốp lưng màu đen, đã qua sử dụng, trị giá 1.500.000 đồng và số tiền 800.000đồng trong ốp điện thoại của cháu Nguyễn Thu H, sinh ngày 08/10/2006 (thời điểm bị hại cháu H 15 tuổi 1 tháng). Tổng giá trị tài sản Th chiếm đoạt là 2.300.000 đồng.

Trong vụ án này, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có hai quan điểm khác nhau trong việc xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi’’, như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Vũ Đình Th phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi’’, bởi:

Thứ nhất, bị hại là cháu H, thời điểm bị chiếm đoạt tài sản cháu dưới 16 tuổi. Theo quy định tại mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 05 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đã hướng dẫn áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em …” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 như sau: “… Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em …” đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em …”.

Thứ hai, Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hướng dẫn về vấn đề này, vì vậy vẫn tiếp tục áp dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP. Theo đó, cần áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi …” với tất cả các trường hợp người bị hại là người dưới 16 tuổi, mà người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Vũ Đình Th không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi’’, bởi lẽ:

Thứ nhất, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi …” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Mặt khác Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 05 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đến nay không còn hiệu lực.

Thứ hai, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng này khi khách thể bị xâm phạm là quyền nhân thân của con người (khi chính tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,…) của người dưới 16 tuổi, bị xâm phạm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLDS thì, “quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác…". Tội phạm xâm phạm quyền nhân thân của “con người”, đặc biệt là trẻ em được pháp luật Việt Nam đặc biệt quan tâm và bảo vệ, thì mới chịu thêm tình tiết tăng nặng nêu trên. Trong vụ án trộm cắp tài sản, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản, nên Vũ Đình Th không phải chịu tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: hiện tại, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS; Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản chứ không phải quyền nhân thân của con người. Mặt khác, Điều 6 Luật trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm, là những hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của trẻ em. Chính vì lý do nêu trên và đảm bảo tính có lợi cho người bị buộc tội, nên trong trường hợp này Vũ Đình Th không phải chịu tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Thông qua công tác thực tế, tác giả nghiên cứu và đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi ...’’ theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS. Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, cũng như sớm được cấp có thẩm quyền quan tâm trong việc hướng dẫn kịp thời áp dụng pháp luật hình sự./.

                                                              Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây