Đào Văn Q có phạm tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm?

Thứ tư - 01/06/2022 03:25
Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự có điểm không quy định rõ định lượng cụ thể (điểm a, điểm b), có điểm quy định rõ định lượng (điểm c, d, đ).

Kể từ khi Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành, trên thực tế việc áp dụng điểm a, điểm b khoản 1 điều 244 còn có một số quan điểm nhận thức khác nhau. Sau đây tôi xin đưa ra một vụ án còn có quan điểm khác nhau nêu ra để cùng trao đổi:

Ngày 20/3/2022, Đào Văn Q mua của 01 người không quen biết được 01 chiếc móng hổ với mục đích để bán kiếm lời. Đến ngày 29/3/2022, Q đăng bán trên mạng xã hội chiếc móng hổ nêu trên. Sau đó Phan Văn T, ở huyện DK, tỉnh KH mua với giá 01 triệu đồng. Khi Q đang đóng gói chiếc móng hổ để gửi hàng cho T thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện NG phát hiện, thu giữ toàn bộ tang vật.

Tại kết luận giám định động vật của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật kết luận: 01 chiếc móng động vật là móng loài Hổ, có tên khoa học Panthera tigris. Móng vuốt là sản phẩm của các loài động vật. Loài Hổ có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính Phủ). Loài Hổ có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES (Ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Đối với vụ án này có 02 quan điểm khác nhau:

* Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Đào Văn Q không phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, quy định tại điểm b khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự, bởi vì:

Một là, tại điểm a, điểm b khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự không quy định rõ số lượng, khối lượng cụ thể nên chưa có căn cứ để áp dụng.

Hai là, theo tiểu mục 4.3 mục 4 Thông tư liên tịch số 19 ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự  khi thuộc một trong các trường hợp như: “a) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể dưới mức tối thiểu “gây hậu quả rất nghiêm trọng tại Phụ lục kèm theo Thông tư này; b) Vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị đến năm mươi triệu đồng”. Do đó hành vi của Đào Văn Q chỉ buôn bán 01 chiếc móng hổ có giá trị chưa đến 50.000.000 đồng nên không cấu thành tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, quy định tại điểm b khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự.

* Qua điểm của tác giả là quan điểm thứ hai: Hành vi của Đào Văn Q phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, quy định tại điểm b khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự, bởi vì:

- Thứ nhất, hành vi của Đào Văn Q là hành vi buôn bán trái phép 01 chiếc móng hổ, có tên khoa học Panthera tigris. Móng vuốt là sản phẩm của các loài động vật. Loài Hổ có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính Phủ). Loài Hổ có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES.

- Thứ hai, tại khoản 6 điều 2 Nghị quyết số 05 ngày 05/11/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); Do vậy chiếc móng hổ Đào Văn Q buôn bán là sản phẩm của động vật.

- Thứ ba, khoản 1 điều 244 BLHS được chia làm 2 phần, với hai mức độ ưu tiên bảo vệ khác nhau, đó là: Đối với những động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được Bộ luật hình sự quy định chặt chẽ hơn, mức độ bảo vệ cao hơn, nên chỉ cần có những hành vi như săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩn của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, b khoản 1 điều 244 BLHS.

Đối với những thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhưng không thuộc trường hợp ưu tiên bảo vệ nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì phải có số lượng, khối lượng cụ thể được quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 điều 244 BLHS.

- Thứ tư, Thông tư liên tịch số 19 ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 chưa sửa đổi, bổ sung. Nhưng bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã được sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoàn toàn điều luật so với bộ luật hình sự năm 1999 nên thông tư liên tịch số 19 không còn hiệu lực nên không có căn cứ áp dụng.

Từ những nhận định trên đây quan điểm của tác giả là: Hành vi của Đào Văn Q là hành vi buôn bán sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do vậy hành vi của Q đã cấu thành tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, quy định định tại điểm b khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự.

Vậy tôi xin đưa ra bàn luận để đồng nghiệp cùng đánh giá phù hợp với hành vi và quy định của pháp luật.

                                                            Vũ Đình Phương
 VKSND huyện Ninh Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây