- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự. Theo đó, Điều 170 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay tại điều luật: “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt. Xung quanh vấn đề này còn có những quan điểm khác nhau. Tình huống sau là một ví dụ:
Lê Văn T và anh Đào Đình D có mối quan hệ quen biết xã hội. T biết anh D đang có mâu thuẫn với người khác. Trong thời gian từ ngày 14/3/2020 đến ngày 23/3/2020, Lê Văn T có hành vi sử dụng điện thoại di động gọi điện và nhắn tin; sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook nhắn tin đe dọa anh Đào Đình D với nội dung: “có người thuê tao 50.000.000 đồng đánh mày và gia đình mày, nếu mày không muốn bị đánh và yên ổn làm ăn thì đưa tao 50.000.000 đồng”. T đe dọa yêu cầu anh D đưa số tiền 50.000.000 đồng, nếu không sẽ đánh anh D và gia đình anh D. Do sợ hãi nên ngày 14/3/2020 anh D đã chuyển qua tài khoản tại ngân hàng cho T số tiền 10.000.000 đồng, trực tiếp đưa số tiền 10.000.000 đồng cho T. Hồi 20 giờ 30 phút ngày 23/3/2020 tại thôn T, thị trấn L, huyện C, tỉnh H, anh D tiếp tục đưa cho T số tiền 10.000.000 đồng thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C bắt quả tang, thu giữ vật chứng. Tổng số tiền T đã chiếm đoạt được của anh D là 30.000.000 đồng.
Như vậy đối với trường hợp này, mục đích ban đầu của T là nhằm chiếm đoạt 50.000.000 đồng của anh D, nhưng T mới lấy được của anh D 30.000.000 đồng. Vậy khởi tố T theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 170 của Bộ luật hình sự?
Có hai quan điểm về việc khởi tố T:
Quan điểm thứ nhất: Chỉ khởi tố T theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự, do hậu quả mà T gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự (chiếm đoạt được 30.000.000 đồng).
Quan điểm thứ hai: Phải khởi tố T theo khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự, bởi ý thức chiếm đoạt tài sản của T là chiếm đoạt 50.000.000 đồng, do yếu tố khách quan nên T chưa lấy được hết số tiền đó một lần, và mục đích của T là sẽ chiếm đoạt đủ 50.000.000 đồng nếu không bị bắt.
Tác giả bài viết đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi Cưỡng đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành hình thức. Ngay từ đầu T đã có ý thức nhằm chiếm đoạt của anh D 50.000.000 đồng, nếu không bị bắt T sẽ yêu cầu anh D phải đưa đủ tiền cho T. Mặc dù hậu quả xảy ra là T chỉ chiếm đoạt được 30.000.000 đồng nhưng đó là do yếu tố khách quan mang lại, không ảnh hưởng đến việc định khung hình phạt đối với T.
Trên đây là bài viết trao đổi nghiệp vụ, rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc./.
Tống Thị Ngọc Ánh VKSND huyện Cẩm Giàng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.