File ghi âm, ghi hình có phải di chúc hay không?

Thứ hai - 30/01/2023 22:40
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
File ghi âm, ghi hình có phải di chúc hay không?
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Như vậy, Di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của chủ sở hữu hợp pháp về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Di chúc lập vào thời điểm chủ sở hữu hợp pháp còn sống, có hiệu lực thi hành khi người đó chết (có giấy chứng tử). Việc lập di chúc có thể công khai hoặc bí mật tùy thuộc vào ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc. Một người có thể lập một hoặc nhiều di chúc khác nhau với cùng nội dung hoặc khác nội dung để định đoạt đối với nhiều tài sản hoặc cùng một tài sản của mình. Khi công khai các bản di chúc của người chết, sẽ căn cứ vào thời điểm lập di chúc sau cùng để xác định ý chí, nguyện vọng cuối cùng của người chết về việc định đoạt tài sản của mình.

 Trường hợp người chết có nhiều di chúc khác nhau và nội dung các bản di chúc này không trùng lặp, không phủ nhận nội dung di chúc khác thì ở thời điểm mở thừa kế, những bản di chúc này đồng loạt có hiệu lực thi hành. Đối với trường hợp có nhiều bản di chúc thể hiện ý chí, nguyện vọng của người chết định đoạt cùng một hoặc một số tài sản nhưng nội dung lại phủ nhận nhau thì đương nhiên bản di chúc được lập sau cùng (về mặt thời gian) sẽ là bản di chúc có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bản di chúc được lập trước đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật dân sự (lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực) và có hiệu lực nhưng vào thời điểm hấp hối, người để lại di sản lại có sự thay đổi ý chí, nguyện vọng đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc đã được lập trước đó. Di chúc vào thời điểm người để lại di sản hấp hối trước khi qua đời thường chỉ là di chúc miệng, hoặc là bản ghi âm, ghi hình của người để lại di sản mà không tuân thủ trình tự, thủ tục do Bộ luật dân sự quy định. Vậy những di chúc tồn tại dưới dạng  file ghi âm, ghi hình có được coi là di chúc hợp pháp không, có giá trị pháp lý và hiệu lực pháp luật hay không?

Tại  Điều 627. Bộ luật dân sự năm 2015 (Hình thức của di chúc) quy định:

"Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng".

Tại  Điều 628. Bộ luật dân sự năm 2015 (Di chúc bằng văn bản) quy định:

"Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực".

Tại Điều 629. Bộ luật dân sự năm 2015 (Di chúc bằng miệng) quy định:

" 1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc con sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ".

Tại Điều 94. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (nguồn chứng cứ) quy định:

"Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định".

Như vậy, theo quy định tại các Điều 628 và 629 Bộ luật dân sự thì di chúc tồn tại dưới 02 dạng " di chúc bằng văn bản" và "di chúc bằng miệng", không quy định dưới dạng "dữ liệu điện tử". Nhưng về nguồn chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 94 của BLTTDS năm 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: "Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;".

Xét về tính hợp pháp của di chúc: Theo quy định tại các Điều 627, 628, 629, 630 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc tồn tại dưới hai dạng là di chúc văn bản (di chúc không có người làm chứng do chính người để lại di sản tự mình viết, ký vào văn bản; di chúc có người làm chứng; di chúc có công chứng, chứng thực) và di chúc miệng. Việc lập di chúc văn bản không được viết tắt hoặc viết ký hiệu, trường hợp có sự  sửa chữa, tẩy xóa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 631 BLDS). Việc lập di chúc miệng thì phải có ít nhất hai người làm chứng và những nội dung di chúc miệng phải được những người làm chứng ký, xác nhận hoặc điểm chỉ và phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn 05 ngày làm việc. Nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, tỉnh táo sau 03 tháng kể từ thời điểm để lại di chúc miệng thì mặc nhiên di chúc miệng bị hủy bỏ (Điều 629, 630 BLDS).

 Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định di chúc tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử (file ghi âm, ghi hình). Vậy những di nguyện của người chết tồn tại dưới dạng  file ghi âm, ghi hình có được coi là di chúc miệng hoặc di chúc văn bản hay không? Theo tôi, nếu có tài liệu chứng cứ chứng minh được tại thời điểm người để lại di sản (tự mình ghi âm, ghi hình) hoặc khoảnh khắc hấp hối có người khác ghi âm, ghi hình lại thì cần xác định nội dung chứa trong file ghi âm, ghi hình là di chúc miệng. Và từ thời điểm tìm thấy được file ghi âm, ghi hình đó hoặc có người khác ghi âm, ghi hình  trong thời hạn 05 ngày làm việc, người phát hiện, người ghi âm phải hoàn tất các thủ tục người làm chứng được quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc.

Kiến nghị, đề xuất: Cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2015 về việc ghi nhận file ghi âm, ghi hình có chứa nội dung di nguyện của người chết đối với tài sản của mình là di chúc miệng tồn tại dưới dạng "dữ liệu điện tử" cho phù hợp với quy định của BLTTDS như đã phân tích ở trên.

                                                      Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây