Giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Thứ ba - 05/04/2016 21:52
Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) quy định về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, theo đó, khi những người thuộc quy định tại khoản 2 Điều 81 này có đủ căn cứ để xác định một người chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ thì có thể ra lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng này. Tuy nhiên trong thực tế, Cơ quan điều tra đã giữ được đối tượng, sau đó tiến hành lấy lời khai, xác minh và khi thấy có đủ căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 81 BLTTHS 2003 và có đủ căn cứ xác định đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội mới tiến hành ra lệnh bắt khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ. Như vậy, theo như quy định tại Điều 81 BLTTHS 2003 này thì các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện hành vi giữ người nhưng không hề có lệnh giữ.
Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được quốc hội ban hành ngày 27/11/2015 đã giải quyết được vấn đề này. Trong quy định này, hoạt động tố tụng bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 81 BLTTHS 2003 đã được đổi thành giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Quy định này đã chia tách rõ ràng hoạt động giữ và bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, trong vòng 12 giờ, Cơ quan có thẩm quyền thuộc khoản 2 Điều này tiến hành lấy lời khai để củng cố chứng cứ, tài liệu rồi mới ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do cho họ. Như vậy quy định này đã hoàn thiện hơn so với quy định ở Điều 81 BLTTHS 2003, nó đã hợp pháp hóa việc giữ người để lấy lời khai của cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, Điều 110 Bộ luật TTHS 2015 còn quy định bổ sung thêm hai căn cứ để ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Một là, người cùng thực hiện tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, Hai là, có dấu vết của tội phạm ở nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; rút ngắn lại thời gian phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt còn 12 giờ (trước đây là 24 giờ) và bổ sung thêm người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp tại Điểm b khoản 2 Điều này đó là Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.
Ngoài ra, Điều 110 BLTTHS 2015 đã mở rộng hơn thẩm quyền cho Cơ quan điều tra trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Theo đó, sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn quy định tại Điều này, Cơ quan điều tra có thể trả tự do ngay cho người bị giữ mà không cần phải có sự đồng ý của Viện kiểm sát. Và viện kiểm sát theo như trong quy định này chỉ phải xem xét, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp chứ không phải xem xét việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi về quy định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, xin trao đổi cùng các đồng nghiệp để nghiên cứu, áp dụng thực hiện trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp.