Hành vi trái pháp luật quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự

Chủ nhật - 29/07/2018 22:30

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015); so với Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2019 (BLHS 1999), thì cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều luật có sự khác nhau, cụ thể là:

Điều 341 BLHS 2015  Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 267 BLHS 1999  Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Quy định trên tương ứng với hai hành vi (2 tội): Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức;

Ví dụ Nguyễn Văn A, chỉ học hết lớp 12, đã tự làm giả Bằng Cử nhân Kinh tế mang tên mình; Thẻ thương binh mang tên Bố đẻ; mục đích để khoe với bạn gái về trình độ học vấn và gia thế nhà mình; Trên đường đi thăm bạn gái, A bị phát hiện;

Khi xử lý đối với A có 02 quan điểm: quan điểm thứ nhất A chỉ bị xử phạt hành chính, vì A không sử dụng tài liệu giả này thực hiện hành vi trái pháp luật; quan điểm khác A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 khoản 2 BLHS; quan điểm này xuất phát từ lập luận dấu hiệu thực hiện hành vi trái pháp luật chỉ được áp dụng đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, đã làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu họ đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự); không cần quan tâm đến mục đích làm giả để làm gì. Chúng tôi cho rằng trường hợp này A không phải chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù hành vi của A đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính của nhà nước về con dấu, tài liệu (khách thể), nhưng A không có động cơ, mục đích  thực hiện hành vi trái pháp luật (mặt chủ quan), không đủ 04 yếu tố cấu thành tội phạm;

Vậy hiểu như thế nào là thực hiện hành vi trái pháp luật; hành vi trái pháp luật có đồng nghĩa với vi phạm pháp luật không?

Trên cơ sở nghiên cứu quy định hiện hành, chúng tôi thấy rằng thực hiện hành vi trái pháp luật là hành vi của một người đã làm (hành động) hoặc không làm (không hành động) một quy định cụ thể, mà pháp luật quy định họ phải làm, không cần biết họ có nhằm lừa dối ai không?  Hành vi trái pháp luật không đồng nghĩa với hành vi phạm pháp luật; trái pháp luật có thể là không hành động do không nhận thức được pháp luật quy định phải làm, vi phạm pháp luật là người đó nhận thức được pháp luật quy định không được làm vẫn thực hiện (lỗi cố ý), họ có thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó, đồng thời đủ khả năng để điều khiển được hành vi của mình. Hành vi đó đó phải vi phạm một quy định pháp luật cụ thể.

Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:  Việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó (gọi chung là giấy tờ giả) trái pháp luật mới phải chịu trách nhiệm hình sự; và ngược lại nếu không thực hiện hành vi trái pháp luật (không sử dụng) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;

Ví dụ  Để có thể xin được việc làm vào Công ty trong Khu Công nghiệp (không rõ công ty cụ thể), nên tháng 8/2018 Nguyễn Văn A- 20 tuổi, bỏ ra 5.000.000 đồng mua của Nguyễn Văn B 01 Bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề Thợ Hàn; Khi B đang giao Bằng giả cho A thì bị phát hiện bắt giữ; Trường hợp này A không phải chịu trách nhiệm hình sự vì chưa sử dụng Bằng nghề giả vào việc đi xin việc; mặc dù A đã có hành vi trái pháp luật (mua Bằng nghề giả), nhưng A chưa sử dụng Bằng nghề giả đó (chưa thực hiện);

Từ phân tích trên thấy rằng: khi phát hiện người đã sử dụng giấy tờ tài liệu giả do mình mua của người khác hoặc có được bằng hình thức nào đó (ví dụ nhặt được, xin được…) vào việc pháp luật quy định không được làm (quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể), đều phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với người này về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS 2015;

                                                                                                               Nguyễn Quang Trung
Phòng 7 VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây