Hiểu thế nào là “con đã thành niên mà không có khả năng lao động”

Thứ ba - 25/10/2022 00:17

Điều 644 BLDS năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động

Có ý kiến cho rằng, vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng trực tiếp quy phạm “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” nên chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật, cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động” theo đó, “người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên…” Do vậy, nếu như người thành niên, mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như Nghị quyết 03/2006 đã liệt kê ở trên thì mới xác định họ “không còn khả năng lao động”.

Ý kiến khác lại cho rằng, ngoài Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, còn có một văn bản khác cũng điều chỉnh tương tự, đó chính là Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính có quy định về khái niệm “người tàn tật không có khả năng lao động”. Cụ thể tại mục 3.1.6 của Thông tư 84 có khái niệm người tàn tật không có khả năng lao động để xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập, cụ thể như sau:

Người tàn tật, không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc tự bản thân khai có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biều hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc. Ví dụ: Xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, bị di chứng chất độc màu da cam…

Trường hợp người phụ thuộc mắc bệnh mà không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn…) có bệnh án của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên thì chỉ cần bản sao bệnh án mà không cần phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã

Tuy nhiên, khái niệm này chỉ nhằm phân biệt về người tàn tật không có khả năng lao động với người tàn tật nhưng vẫn có khả năng lao động. Theo tôi, việc viện dẫn cả hai văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính) đều là chưa chính xác và không hợp lý.

 Khả năng lao động theo từ điển Tiếng Việt là khả năng có thể tạo ra giá trị của cải, vật chất và tinh thần nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi sống bản thân và tạo ra các hệ giá trị xã hội. Do đó, để đánh giá một người thế nào là không có khả năng lao động là rất khó. Bởi vì, có thể họ bị tàn tật, giảm thiểu chức năng của một bộ phận trên cơ thể đến mức không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh, nhưng họ vẫn có thể tạo ra được các giá trị tinh thần, vẫn có thể nuôi sống được bản thân và tạo ra các hệ giá trị xã hội khác. Tương tư như vậy, một người cao tuổi (theo quy định của Luật người cao tuổi, thì người từ 70 tuổi trở lên là người cao tuổi) hay người già (theo quy định của Luật lao động thì nam từ đủ 60 tuổi, và nữ từ 55 tuổi là đến tuổi nghỉ hưu) nhưng cũng không thể đánh giá là họ có khả năng lao động hay không? Bởi lẽ, theo sự phát triển kinh tế - xã hội, thì tuổi thọ con người ngày càng cao, sức lao động có thể kéo dài, và do nhu cầu của bản thân, gia đình, thì những người này vẫn có thể có những đóng góp và tham gia vào quan hệ lao động.

Do vậy, trong quá trình kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến phần di sản của những người không phụ thuộc vào nội dung di chúc, Kiểm sát viên cần phải hết sức thận trọng, đánh giá toàn diện, khách quan mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thụ hưởng; giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực đạo lý của xã hội nhằm làm rõ và phân biệt trường hợp nào “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” để đánh giá chính xác có cho hay không cho hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, làm căn cứ cho việc kiến nghị, kháng nghị các bản án, quyết định của Tòa án một cách chính xác, toàn diện, hợp lý, hợp tình.

                                                                                        Hoàng Thị Thuý Diệp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây